Ngành khát nhân lực vẫn khó tuyển sinh

29/05/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học cơ bản, KH sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường… là nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao.

Ngành khát nhân lực vẫn khó tuyển sinh ảnh 1

Sinh viên ngành Nông nghiệp công nghệ cao tham gia phỏng vấn tại một doanh nghiệp chuyên về thực phẩm. Ảnh: Anh Tú

Giải pháp nào lấp đủ thí sinh?

Nhân lực nhóm ngành Khoa học cơ bản, Nông nghiệp chất lượng cao ngày càng thiếu hụt, doanh nghiệp thì sẵn sàng săn đón, nhưng người học thì chưa sẵn sàng thay đổi tư duy về nhóm ngành nông nghiệp. Theo TS Nguyễn Duy Tân - Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang, đây chính là trở ngại lớn cần sớm tháo gỡ từ chính sách thu hút, cơ chế đặc thù trong đào tạo cho đến sức hút từ thu nhập ngành nghề.

TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang - cho rằng, việc học sinh không chọn học những ngành Khoa học cơ bản lỗi là của nhà trường, xã hội và cả chính sách khi công tác truyền thông cho học sinh thấy rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhóm ngành nghề này trong các hoạt động hướng nghiệp còn quá mờ nhạt.

“Chúng ta không cho học sinh thấy tầm quan trọng của nhóm ngành trên trong nền kinh tế mà chỉ chăm chăm nêu bật những thành tựu của công nghệ, dịch vụ và kinh tế - những ngành học theo xu thế, tên gọi hấp dẫn… thì không thể trách học sinh thờ ơ với nhóm ngành Khoa học cơ bản, nông nghiệp mà tìm kiếm ngành học đón đầu xu thế. Thực tế, khó khăn lớn nhất chính là việc thiếu chính sách ưu đãi, thu hút cho nhân lực nhóm ngành này”, TS Phương nói.

Để thích ứng bối cảnh mới và duy trì những ngành học khó tuyển, ngành học thuộc về thương hiệu của nhà trường, nhiều trường đã và đang xây dựng nhiều chính sách đi kèm nhằm hỗ trợ tối đa cho sinh viên. Trong đó, chính sách học bổng, việc làm là những chính sách “xương sống” nhằm đảm bảo cho sinh viên và tạo thêm sức hút cho ngành học.

Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, hiện nay góc nhìn và tư tưởng chưa đúng, chưa thấu đáo về nhóm ngành nghề Nông - Lâm - Ngư nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thấm sâu vào đời sống một bộ phận không nhỏ người trẻ, nhất là với người trẻ xuất thân từ đô thị. Vì vậy, việc các trường làm mọi cách như đổi tên ngành, gia tăng hàng loạt chính sách thu hút về tài chính nhưng tỉ lệ học sinh chọn theo học vẫn chưa tăng nhiều.

“Sinh viên nhóm ngành nghề: Nông học, Thú y, Chăn nuôi, Công nghệ chế biến lâm sản của Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh 3 năm trở lại đây được doanh nghiệp săn đón nhiều với mức lương không thấp. Đây là thực tế mà các bạn trẻ cần tỉnh táo nhìn nhận, đánh giá và lựa chọn hướng đi lập thân. Nhiều bạn thích nuôi thú cưng, muốn theo học ngành Thú y nhưng bố mẹ lại sợ ngành học ấy “không sang” nên rẽ hướng với ngành khác rồi hụt hẫng và thất bại.

Thực tế, nhóm ngành này lại đang cực hot và có mức thu nhập ổn định. Vì vậy, lời khuyên cho thí sinh là phải biết lựa chọn ngành học từ đam mê bản thân nhưng cũng đừng quên tỉnh táo phân tích nhu cầu nhân lực thị trường qua các kênh thông tin chính thống”. - TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nganh-khat-nhan-luc-van-kho-tuyen-sinh-post639611.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nganh-khat-nhan-luc-van-kho-tuyen-sinh-post639611.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành khát nhân lực vẫn khó tuyển sinh