Giáo dục

Ngành Lịch sử: Thế mạnh ứng dụng vào nhiều lĩnh vực liên ngành

30/07/2024 15:27

Thống kê việc làm của sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, trung bình mỗi khóa của Khoa Lịch sử có hơn 90% sinh viên có việc làm ổn định.

Trong xu thế xuất hiện ngày càng nhiều vị trí công việc mang tính chất liên ngành, sinh viên tốt nghiệp ngành Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM không chỉ nắm trong tay đa dạng cơ hội việc làm mà còn sở hữu khá nhiều lợi thế trong thị trường lao động hiện nay.

Nắm giữ thế mạnh ứng dụng ở đa dạng các lĩnh vực trong nước

Theo thống kê tình hình việc làm của sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, trung bình mỗi khóa của Khoa Lịch sử có hơn 90% sinh viên có việc làm ổn định, trong đó có gần 70% sinh viên có việc làm ngay sau 3 tháng tốt nghiệp.

Chia sẻ về cơ hội việc làm cũng như tiềm năng phát triển của ngành Lịch sử, ThS. Dương Thành Thông - Phó Trưởng khoa Lịch sử nhận định: “Đất nước ta còn có bề dày lịch sử lâu đời, với nhiều di tích lịch sử, văn hóa giá trị, nên ngành Lịch sử không bao giờ là lỗi thời. Hơn nữa, ngành Lịch sử hiện nay có thế mạnh khi ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các lĩnh vực học thuật và nghiên cứu đến những ngành nghề liên quan đến kinh tế, văn hóa và xã hội”.

Theo ThS. Dương Thành Thông, Lịch sử có thể được ứng dụng mạnh mẽ ở một số lĩnh vực sau:

  • Giáo dục và nghiên cứu: giảng dạy lịch sử tại các trường học hoặc tham gia nghiên cứu học thuật tại các tổ chức nghiên cứu có lĩnh vực liên quan.
  • Bảo tồn và quản lý di sản văn hoá: thực hiện công tác quản lý, bảo tồn các bảo tàng, di tích, công trình kiến trúc lịch sử hoặc tư vấn di sản cho các dự án bảo tồn và phát triển di sản văn hoá.
  • Du lịch văn hoá: trở thành hướng dẫn viên du lịch, nhà quản lý hoặc thiết kế sản phẩm du lịch cho du khách tại các địa điểm lịch sử.
  • Truyền thông và báo chí: làm phóng viên, biên tập viên, nhà sản xuất hoặc tư vấn nội dung cho những bài báo, tạp chí, chương trình về lịch sử và văn hoá.
  • Quản lý nhà nước và chính sách công: trở thành chuyên viên quản lý văn hoá, chuyên viên nghiên cứu, chuyên viên phân tích chính sách tại các trung tâm có liên quan đến lịch sử, văn hoá và xã hội.
  • Công tác Đảng, quân đội và an ninh: sinh viên tốt nghiệp ngành Lịch sử (đặc biệt là chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam) rất phù hợp với các công việc liên quan đến công tác Đảng như Văn phòng, Tuyên giáo... Còn trong lĩnh vực quân đội và an ninh, ngành Lịch sử có thể nghiên cứu lịch sử quân sự để cung cấp kiến thức quan trọng cho quân đội và lực lượng an ninh hoặc giảng dạy lịch sử, công tác chính trị - tư tưởng tại các học viện quân sự, trường an ninh.
Minh họa 1 (6).png
Sinh viên ngành Lịch sử tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện

Chương trình giảng dạy bám sát nhu cầu thực tế: Học đi đôi với hành

Khoa Lịch sử không những nổi tiếng với truyền thống giảng dạy với đội ngũ cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, tận tâm mà còn “lừng danh” với chương trình học chuẩn quốc tế, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, bám sát nhu cầu xã hội.

Trong quá trình theo học ngành Lịch sử, sinh viên vừa được trang bị kiến thức chuyên môn kỹ càng, vừa có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú và tham gia vào các chương trình thực tập thiết thực. Những hoạt động này nhằm mục đích phát triển toàn diện kỹ năng và kinh nghiệm thực tế cho sinh viên, chuẩn bị cho họ những hành trang cần thiết khi bước vào môi trường làm việc sau này.

Hoạt động ngoại khoá ở Khoa gồm sinh hoạt Câu lạc bộ trực thuộc Đoàn khoa, tham gia các chuyến đi thực tế, tham gia các dự án Nghiên cứu khoa học sinh viên hoặc tham gia các hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống và các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên đề về các chủ đề lịch sử và văn hóa mà Nhà trường tổ chức. Bên cạnh đó, chương trình thực tập cũng được Khoa thiết kế nhằm mang lại kỹ năng thực tế tốt nhất cho sinh viên.

Chương trình này thường gồm hai học phần: (1) Tham quan, khảo sát thực tế tại các địa điểm, khu di tích, khu khai quật khảo cổ, bảo tàng, viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ, … trong và ngoài TPHCM. (2) Chuyến đi “Xuyên Việt” - một chuyến hành trình từ Nam ra Bắc, đưa sinh viên đi qua nhiều địa điểm lịch sử quan trọng trên khắp cả nước, được tổ chức vào học kỳ VII.

Theo ThS. Dương Thành Thông, các hoạt động được nói trên được thiết kế nhằm mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Thứ nhất là sinh viên được trang bị các kỹ năng thực tế cần thiết như kỹ năng nghiên cứu, phân tích, quản lý, tổ chức; thứ hai là giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, hiểu rõ hơn về môi trường làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến lịch sử và văn hóa.

“Qua đó, sinh viên cũng có cơ hội gặp gỡ và làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và những người có cùng đam mê trong lĩnh vực lịch sử, giúp mở rộng mạng lưới quan hệ và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp cũng như phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và quản lý thời gian” - thầy Thông bày tỏ.

Chia sẻ về chất lượng giảng dạy và sự hỗ trợ tận tâm của giảng viên Khoa Lịch sử, cựu học viên Cao học Khoá 2019-2023, anh Nguyễn Hoàng Thái hiện đang công tác tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh bộc bạch: “Nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên Khoa luôn quan tâm, hỗ trợ sinh viên trong quá trình định hướng nghề nghiệp và tìm việc làm. Khoa có nhiều chương trình thường niên để thầy cô giải đáp thắc mắc cho sinh viên, đồng thời Khoa khuyến khích và tổ chức những buổi học về kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, tin học hay những kiến thức liên quan lĩnh vực truyền thông”.

Minh họa 2 (5).png
Sinh viên ngành Lịch sử thực tập chuyên môn khảo cổ tại di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ

Nhận được nhiều đánh giá cao từ nhà tuyển dụng

TS. Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM đánh giá cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn của sinh viên Khoa Lịch sử Trường Nhân văn khi biết cách áp dụng chúng vào việc làm thực tế. Ông bộc bạch: “Cử nhân ngành Lịch sử của Nhà trường vừa có khả năng giảng dạy, vừa có thể làm tốt công tác nghiên cứu vấn đề liên quan lĩnh vực chuyên môn”.

“Khả năng phát triển và thăng tiến của sinh viên tốt nghiệp từ ngành Lịch sử là có cơ sở” - ThS. Chu Gia Quỳnh Trâm - chuyên viên Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM nhận định. Theo bà, ngành lịch sử trong đó có chuyên ngành Lịch sử thế giới có sự liên hệ mật thiết với Quan hệ Quốc tế hay Ngoại giao học, phù hợp với chức năng nhiệm vụ công tác tại cơ quan Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài.

Cựu sinh viên Khoa Lịch sử Khoá 2017-2021, anh Lê Văn Phúc - giáo viên bộ môn Lịch sử tại Trường TH-THCS-THPT Việt Anh ( quận Phú Nhuận, TPHCM) chia sẻ: “Bên cạnh những thế mạnh đó, theo mình, sinh viên Lịch sử cần phải trau dồi thêm các kỹ năng mềm để có thể đáp ứng đủ những điều kiện cần và điều kiện đủ, từ đó người học sẽ vun đắp thêm nhiều hành trang trong quá trình ứng tuyển và lao động, cơ hội nghề nghiệp cũng rộng mở hơn”.

Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM là một trong những khoa lâu đời, phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo nên uy tín Nhà trường trong lĩnh vực đào tạo nhân lực xã hội nhân văn ở phía Nam. Đây là ngành học cung cấp những kiến thức chuyên sâu về lịch sử nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng, trang bị cho người học những kỹ năng nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về các vấn đề lịch sử: tiến trình lịch sử, khảo cổ, ý nghĩa của lịch sử đối với xã hội hiện tại,...

Cử nhân Lịch sử có thể làm việc ở các cơ quan nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn; giảng dạy lịch sử, nghiên cứu tổng hợp, biên tập chuyên đề, chuyên viên chuyên trách trong các cơ quan khoa giáo, công tác tuyên văn của lực lượng vũ trang hoặc làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị;...

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nganh-lich-su-the-manh-ung-dung-vao-nhieu-linh-vuc-lien-nganh-post693731.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nganh-lich-su-the-manh-ung-dung-vao-nhieu-linh-vuc-lien-nganh-post693731.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành Lịch sử: Thế mạnh ứng dụng vào nhiều lĩnh vực liên ngành