Hàng năm, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) tiếp nhận rất nhiều học bổng từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Trong đó, nhiều học bổng liên quan đến lĩnh vực Nhân học từ các trường đại học như Yale, Toronto…
Ngoài ra, khoa Nhân học còn mời những giảng viên nổi tiếng đến thỉnh giảng, trao đổi học thuật cho sinh viên, học viên sau đại học của khoa như: GS.TS Lương Văn Hy (ĐH Toronto, Canada), GS.TS Akifumi Iwabuchi (ĐH Tokyo, Nhật Bản), GS.TS Andrew Willford (ĐH Yale, Mỹ), GS.TS Janet Hoskins (ĐH Nam Cali, Mỹ), GS.TS Erik Harms (ĐH Yale, Mỹ), GS.TS Michael Herzfeld (ĐH Harvard, Mỹ)...
“Nếu sinh viên có định hướng nghiên cứu, kiến thức và trình độ tiếng Anh tốt, các giáo sư luôn khuyến khích và hỗ trợ sinh viên làm thủ tục du học tại các ngôi trường danh tiếng này.” - Thầy Huỳnh Ngọc Thu cho biết thêm.
Trong hai chuyên ngành đào tạo, chuyên ngành Nhân học Phát triển có chương trình đào tạo gần hơn với xu hướng đào tạo của thế giới. Bởi lẽ, việc sử dụng tài liệu giảng dạy bằng tiếng Anh và sử dụng một phần tiếng Anh để trình bày và thảo luận trong buổi học sẽ góp phần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, gia tăng khả năng hội nhập của sinh viên khi trao đổi về các vấn đề quốc tế. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ và phương pháp nghiên cứu cũng là yêu cầu chính yếu của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) khi tuyển nhân sự.
Về chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo sau đại học đã được đánh giá và đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo chuẩn của Bộ GD&ĐT (MOET). Trong khi đó, chương trình cử nhân sẽ được đánh giá chất lượng theo chuẩn AUN-QA vào tháng 10/2023. Để đạt được chứng nhận này, chương trình đào tạo phải được xây dựng theo hướng hội nhập với sự phát triển của thế giới.
Trong nhiều năm qua, chương trình đào tạo của khoa Nhân học ở cả hai chuyên ngành Nhân học Văn hóa - Xã hội và Nhân học Phát triển đều được xây dựng theo xu hướng hội nhập chuẩn quốc tế, chỉ khác ở hình thức sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy và thảo luận. Đối với chuyên ngành Nhân học Phát triển, tỷ lệ sử dụng tiếng Anh nhiều hơn. Tuy nhiên, tính hội nhập của hai chuyên ngành như nhau. Các môn học của hai chuyên ngành đều có nội hàm tương đương với các môn học ở những trường đại học danh tiếng trên thế giới giảng dạy về Nhân học.
Sinh viên Nhân học được kiến tạo nhiều hoạt động phát triển bản thân, cộng đồng. Ảnh: Khoa Nhân học. |
Theo thông tin trên website Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM), chuẩn đầu ra của ngành Nhân học được xây dựng và cam kết với người học sau khi tốt nghiệp là có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn để đảm nhận nhiều vị trí việc làm khác nhau.
Về vị trí học thuật, sinh viên sau tốt nghiệp có thể trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học, giảng dạy trong các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo.
Về vị trí trong các cơ quan quản lý, trực tiếp đảm nhiệm các vị trí công chức, viên chức ở các cơ quan nhà nước để quản lý và thực thi chính sách văn hóa - xã hội, dân tộc, tôn giáo, kinh tế (các cơ quan văn hóa - xã hội, kinh tế, tôn giáo thuộc chính quyền cấp tỉnh, thành và các phòng chức năng thuộc chính quyền cấp quận, huyện, xã, phường…).
Về vị trí tư vấn - phản biện, tham gia tư vấn, phân tích phản biện xây dựng chính sách, thực thi và giám sát chính sách dân tộc và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Phân tích đánh giá các dự án, chương trình hay môi giới văn hóa; Chuyên gia xã hội hay các vai trò khác để hỗ trợ chính quyền trung ương hoặc địa phương xử lý các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội.
Về vị trí tập huấn - bồi dưỡng, tham gia tập huấn nâng cao năng lực, cập nhật trình độ và kỹ năng công tác văn hóa - xã hội, kinh tế, dân tộc, tôn giáo cho các đối tượng cụ thể như: cán bộ Nhà nước ở trung ương và địa phương; các cộng đồng dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức và tăng cường cho họ kỹ năng nhận diện giá trị kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hay biến các giá trị văn hóa của họ thành di sản để phát triển du lịch.
PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu cho biết, nhiều học sinh, sinh viên thường thắc mắc về cơ hội nghề nghiệp của ngành Nhân học nhưng khó nhận lại câu trả lời thỏa mãn. Bởi lẽ, đây là ngành học cung cấp kiến thức nền tảng, giúp ích trong nhiều lĩnh vực của xã hội nên sẽ khó có câu trả lời chính xác về công việc cụ thể cho người học sau tốt nghiệp.
Thầy chia sẻ thêm: “Khi chọn học những ngành khoa học cơ bản và quan tâm đến công việc tương lai, người học nên đặt câu hỏi bản thân muốn làm công việc gì khi học và sau khi tốt nghiệp. Câu hỏi này sẽ định hình công việc mà bạn sẽ theo đuổi để tìm cách đạt được nó. Đồng thời, giúp bạn điều chỉnh phương pháp học tập cũng như kỹ năng, thái độ để hướng đến mục tiêu thực sự của mình trong tương lai.”