Ngày Tết làm thêm, đi đền thờ của du học sinh Việt Nam

01/01/2023, 18:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Minh Quân, Trần Đạt cùng bạn bè đón giao thừa tại châu Âu. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Lê Hào phải tăng ca trước thềm năm mới, Thảo Linh chọn đi đền thờ tại Nhật Bản vào sáng 1/1.

Đúng thời khắc giao thừa (7h giờ Hà Nội), cùng với tiếng chuông nhà thờ, thủ đô London (Anh) chào đón 2023 bằng màn pháo hoa hoành tráng. Đây cũng là màn pháo hoa lần đầu tiên kể từ năm 2019 và người dân không phải tuân theo bất cứ hạn chế phòng dịch nào.

Sau màn pháo hoa, một dàn máy bay không người lái được triển khai trên bầu trời, tạo thành hình Nữ hoàng Elizabeth II và Vua Charles III. Theo Yahoo, ước tính hơn 10.000 người đã xếp hàng dọc sông Thames, cùng nhau đón 2023.

Cùng hòa mình trong đám đông Trần Đạt (20 tuổi, du học sinh tại London) háo hức và thích thú với lần đầu đón năm mới tại xứ sở sương mù, tuy đứng khá xa và không nhìn rõ được phần máy bay xếp hình.

don nam moi anh 1

12.000 quả pháo hoa được bắn lên bầu trời London để chào đón năm mới. Ảnh: Reuters.

"Countdown" tại châu Âu

Đạt cho biết tại Anh, London và các thành phố lớn đã bắt đầu trang trí đón Giáng sinh và năm mới từ giữa tháng 11. Hầu hết công ty sẽ được nghỉ vài ngày đón hai ngày lễ lớn này. Trong khi đó, học sinh, sinh viên sẽ được nghỉ dài 3-4 tuần, đồng thời là kỳ nghỉ đông.

Tối ngày 31/12, Đạt cùng nhóm bạn người Việt sẽ vui chơi tại công viên Winter Wonderland, sau đó, 22h bắt đầu di chuyển đến bờ sông chờ đợi khoảnh khắc đếm ngược.

"Lần đầu đón năm mới xa nhà, giao thừa cũng là lúc mình nhớ gia đình. Mình khá ấn tượng sau khi kết thúc chương trình, chính quyền và lực lượng an ninh tại London phân luồng thoát người khá tốt. Vì vậy mà mình có một buổi đón năm mới vui hơn", Đạt chia sẻ.

Tương tự Đạt, 2023 cũng là năm đầu tiên Minh Quân (21 tuổi) đón năm mới tại Hà Lan. Từ trước Giáng sinh, đường phố ở Amsterdam tràn ngập đèn và đồ trang trí rực rỡ, kéo dài đến năm mới.

Tuy nhiên, Quân cho biết chính phủ Hà Lan sẽ không bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, thay vào đó, người dân được phép tự bắn pháo hoa để chào đón năm 2023.

Quân dự định tối 31/12 sẽ cùng bạn đi club. Tuy nhiên, giá vé ngày lễ khá đắt, gấp 3-4 lần ngày bình thường. Vì vậy, nhóm bạn lựa chọn đến bờ sông để cùng người dân Hà Lan đếm ngược và xem pháo hoa.

Giao thừa năm nay, thời tiết Amsterdam có mưa phùn và gió lạnh. Tuy nhiên, số người đổ ra đường đón năm mới khá lớn. Do người dân được tự do bắn pháo hoa, vì vậy, pháo đã được đốt từ chiều 31/12 cho đến 3-4h ngày đầu năm mới.

Sáng 1/1, Quân dậy sớm đi mua quà lưu niệm tặng bạn. Thủ đô của Hà Lan yên tĩnh hơn thường ngày, thời tiết cũng đẹp hơn đêm hôm trước. Các cơ quan, công ty và nhiều cơ sở kinh doanh đều đóng cửa, chỉ có một số ít người còn làm việc vào ngày này.

Tăng ca tại Hàn Quốc

Không đón countdown ngoài trời, Lê Hào (24 tuổi, sống tại Seoul) phải tăng ca làm thêm trong những ngày lễ, Tết tại Hàn Quốc. Giống như Việt Nam, người dân Hàn Quốc cũng được nghỉ làm một ngày 1/1 để đón Tết dương lịch.

Lê Hào cho biết không khí đón năm mới tại nước bạn cũng không quá nhộn nhịp, đường phố cũng hiếm khi được trang trí, chủ yếu người dân sẽ gặp gỡ bạn bè hoặc ăn nhậu.

Năm nay, thủ đô Seoul nơi Hào sống có tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới. Tuy nhiên, một phần do ám ảnh vụ việc tại Itaewon, một phần phải tăng ca làm thêm, Hào không tham gia hoạt động này.

"Thông thường, du học sinh làm thêm sẽ không được nghỉ làm vào những ngày lễ chính, thậm chí phải tăng ca bởi nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi của người dân tăng mạnh trong dịp này. Một số nơi sẽ có thưởng thêm cho nhân viên, vì vậy, du học sinh làm việc ngày lễ có thể tăng thêm thu nhập, trang trải học phí và sinh hoạt", Hào chia sẻ với Zing.

Ngày cuối cùng của năm, Hào phải tăng ca thêm 1 tiếng, từ 14h-23h. Theo văn hóa Hàn Quốc, các ngày lễ lớn thường sẽ ăn rất nhiều gà và đến các cửa hàng tiện lợi (nơi Hào làm việc) để mua bia. Vì vậy, lượng khách Hào phải tiếp ngày 31/12 khá lớn, ra vào liên tục, cô thậm chí không có thời gian ăn uống, mệt hơn ngày bình thường rất nhiều.

Hào mô tả "làm việc mùa đông mà mồ hôi vã ra như mùa hè", chân tay hoạt động liên tục, từ thanh toán, sắp hàng lên kệ, dọn vệ sinh, cô đều phải làm một mình.

23h40, thời tiết -2 độ C, Hào về đến nhà sau một ngày làm việc bận rộn. Còn 20 phút nữa để chuẩn bị đón năm mới. 4 năm ở nước bạn, Hào đã quen với việc đón năm mới xa nhà này.

Năm nay, Hào cầu mong cho gia đình và bản thân một năm mới mạnh khỏe, cô sẽ tiếp tục những ước mơ, dự định còn dang dở sau 2 năm đại dịch.

"Từ phương xa, mình chúc mọi người vạn sự tốt lành. Chúc các bạn du học sinh luôn khỏe và mạnh mẽ, tạo được nhiều thành công ở xứ người và trở thành niềm tự hào của dân tộc", Hào chia sẻ.

Ngày 1/1, Hào vẫn tiếp tục công việc làm thêm như mọi ngày. Tuy nhiên, cuối ngày hôm nay, sau khi tan làm, Hào sẽ cùng nhóm bạn Việt Nam tranh thủ tụ họp tại nhà một người bạn để chào năm mới.

Đi đền thờ tại Nhật Bản

Khác với những nước châu Á khác như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore… Nhật Bản từ lâu đã không đón Tết theo âm lịch. Vì vậy, Tết dương lịch được coi là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm.

Tương tự Quân, Đạt, 2023 là năm đầu tiên Thảo Linh (18 tuổi) đón năm mới tại Nhật Bản. Linh cho biết khác với văn hóa Việt Nam, người Nhật đón năm mới nhẹ nhàng hơn. Đa số người dân chỉ dọn dẹp nhà cửa, một số nhà sẽ trang trí thêm để tạo không khí. Các dịch vụ sẽ bắt đầu nghỉ từ 29/12/2023 đến hết ngày 1/1/2023.

Thời tiết tại Nhật Bản khá lạnh, vì vậy, 7h tối ngày cuối cùng của năm 2022, Linh cùng một số người bạn Việt Nam đã tụ họp, chuẩn bị đồ ăn.

Các món ăn như lẩu, nem rán, thịt kho... được cả nhóm chuẩn bị, cùng nhau xem truyền hình và đếm ngược đến khoảnh khắc chuyển giao. Đối với Linh, cô cảm nhận những khoảnh khắc đó ấm cúng như được ở nhà cùng cha mẹ.

"Nhật Bản có phong tục sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới sẽ thức dậy trước lúc mặt trời mọc, cùng nhau leo lên chỗ ngắm mặt trời rõ nhất và cầu nguyện khi mặt trời vừa lên. Tuy nhiên, thời tiết lạnh quá, cả nhóm mình chọn đi đền cầu nguyện", Thảo Linh chia sẻ.

6h20 hôm nay, Linh cùng 6 người bạn Việt Nam đi tàu đến đền thờ Kibitsu Jinja, tỉnh Okayama, để trải nghiệm rung chuông cầu nguyện, xin quẻ đầu năm và mua bùa cầu bình an. Năm nay, linh cầu sức khỏe và bình an cho cả gia đình. Nữ sinh cũng rút được quẻ đại cát, may mắn ngay ngày đầu năm mới.

Đối với Linh, đây đều là những trải nghiệm mới lạ và thú vị khi lần đầu tiên đón năm mới xa nhà.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày Tết làm thêm, đi đền thờ của du học sinh Việt Nam