Bảo mẫu chuyên nghiệp phải có đạo đức, sự kiên nhẫn và bản lĩnh để điều tiết cảm xúc...
Phải ghi nhớ thói quen và tính cách của mỗi đứa trẻ, luôn sát sao, không rời mắt khỏi bé, kịp thời ngăn chặn và xử lý nếu các em có dấu hiệu bất thường khiến các bảo mẫu luôn ở trong trạng thái căng thẳng, đặc biệt là khi các bé ốm sốt, quấy khóc…
Những ngày qua, đọc tin tức về vụ việc các bảo mẫu ở Mái ấm Hoa Hồng có dấu hiệu bạo hành trẻ em, chị Vi Thị Thùy Dung (40 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) không giấu nổi vẻ xót xa. Có kinh nghiệm gần chục năm làm bảo mẫu, đã từng chăm sóc hàng trăm trẻ sơ sinh, chị Thùy Dung cho rằng không thể tha thứ cho những hành động này.
“Ngoài chuyên môn, thì một người làm nghề cần phải có “tâm”. Cái “tâm” ở đây tôi muốn nói tới là đạo đức và tình thương. Nếu cảm thấy không thương yêu trẻ nhỏ, làm ơn đừng chọn nghề này”, người bảo mẫu này bức xúc cho biết.
8 năm gắn bó với nghề chăm sóc trẻ, chị Thùy Dung thừa nhận nhiều lúc bản thân rơi vào khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Chị chia sẻ: “Ban đầu, tôi cứ nghĩ rằng đi trông trẻ cũng như trông con mình ở nhà là đủ để theo nghề này song lâu dần tôi nhận ra mỗi “khách hàng nhí” lại có những thói quen, sở thích khác nhau. Bảo mẫu cần phải lưu tâm ghi nhớ mới có thể chăm sóc tốt cho các bé”.
“Có những trẻ ngủ rất ngoan, chỉ cần bế ru một lúc hoặc đưa nôi là ngủ rồi. Nhưng cũng có những bé, tôi phải bế liên tục 3 - 4 tiếng khi ngủ. Tay và vai đau rã rời nhưng tôi vẫn không dám đặt bé xuống giường. Bởi chỉ cần đặt xuống là bé sẽ tỉnh giấc và quấy khóc”, chị Thùy Dung tâm sự về những khó khăn khi làm việc.
Theo chị Thùy Dung lý giải, việc làm bảo mẫu không đơn thuần chỉ là trông trẻ như mọi người vẫn nghĩ. Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa có nhận thức về các mức độ nguy hiểm như người lớn nên không thể kêu cứu. Việc trẻ bị sặc sữa, bị ngã khi lật hay lẫy, hóc dị vật… là việc không hiếm gặp. Trên thực tế, người làm nghề phải luôn sát sao không rời mắt khỏi bé, nắm bắt kịp thời nếu các em có dấu hiệu bất thường, nếu không sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng cũng vì thế, các bảo mẫu luôn rơi vào tình trạng căng thẳng, thậm chí khủng hoảng tâm lý, đặc biệt là khi các bé ốm sốt, quấy khóc… Nếu không đủ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc tốt thì rất dễ cáu giận và có thể dẫn tới có hành vi không đúng mực.
“Nghề nào cũng có những nỗi khổ, sự vất vả riêng. Thế nhưng, khi đã lựa chọn theo nghề này thì không thể lấy những khó khăn, áp lực của công việc làm cái cớ để bạo hành, đánh đập những đứa trẻ vô tội.
Một bảo mẫu chuyên nghiệp phải có bản lĩnh để điều tiết cảm xúc và thực sự kiên nhẫn. Những người nóng tính, hay cáu gắt và không thích trẻ con hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định theo nghề này”, chị Thùy Dung gửi lời nhắn nhủ tới những người đồng nghiệp trẻ.
Chị Hoàng Thị T. - đại diện một công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo mẫu chăm sóc trẻ tại TP Hà Nội cho biết, nghề này ngày càng phổ biến và có nhu cầu cao, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Nguyên nhân là do số lượng trẻ em gia tăng và các bậc phụ huynh thì bận rộn với công việc.
Chị Hoàng Thị T. tiết lộ, trong bối cảnh nhiều sự việc gây phẫn nộ dư luận diễn ra thời gian gần đây, các gia đình tìm đến dịch vụ bảo mẫu thường tỏ rõ sự lo lắng liên quan đến vấn đề an toàn của trẻ. Vì vậy, công ty cũng đặt ra những quy định rõ ràng về bằng cấp, kinh nghiệm đối với các bảo mẫu. Họ sẽ được công ty đào tạo chuyên sâu về chuyên môn và các nguyên tắc đạo đức như: Yêu trẻ; nhiệt tình; trách nhiệm; tuyệt đối không đôi co với khách hàng; nghiêm cấm làm tổn thương, bạo hành, xâm hại trẻ…
Chị T. cho biết, nhiều người vẫn có sự hiểu nhầm về nghề bảo mẫu. Có những gia đình thuê bảo mẫu chăm sóc trẻ em nhưng lại yêu cầu họ phải cáng đáng nhiều việc khác trong nhà như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người già… Nói về việc này, chị T. nhấn mạnh, đó là giúp việc gia đình, không phải bảo mẫu chuyên nghiệp.
Còn đối với nghề bảo mẫu, thường được chia làm nhân viên và giáo viên. Cụ thể, bảo mẫu nhân viên có kỹ năng cơ bản về chăm sóc trẻ, tương tác giáo dục sớm cho trẻ, có tối thiểu 2 năm làm việc với trẻ nhỏ. Họ có bằng cấp như: Điều dưỡng, y tá, dược, kế toán…
Còn bảo mẫu giáo viên là các giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục mầm non, có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ nhỏ. Họ có chuyên môn vững vàng về kỹ năng chăm sóc, tương tác giáo dục sớm với trẻ. Tuy nhiên, chị T. chia sẻ quan điểm cá nhân, phụ huynh và người thân của các bé cũng không nên phụ thuộc, phó mặc hoàn toàn vào bảo mẫu mà nên cùng họ tìm ra cách phù hợp nhất theo dõi, chăm sóc em bé.
Ở một góc độ khác, chị Vi Thị Thùy Dung cho rằng, các gia đình khi thuê bảo mẫu cũng cần thông cảm và thấu hiểu cho sự vất vả của việc chăm sóc trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Chị Dung tâm sự, có lần thấy bé đã ngủ ngon, chị đặt xuống giường để đi vệ sinh thì em nhỏ khóc ré lên không chịu khiến người mẹ đang ngủ cạnh đó thức giấc. Bực bội vì mất giấc ngủ, mẹ của bé liền có thái độ khó chịu, lên tiếng trách móc, mắng mỏ bảo mẫu khiến chị cảm thấy vô cùng tủi thân.
“Bảo mẫu cũng là con người, cũng biết mệt mỏi, có cảm xúc và nhu cầu cá nhân. Chúng tôi cũng cần nghỉ ngơi để có thời gian hồi phục năng lượng. Bởi vậy, phụ huynh cũng đừng quá khắt khe mà nên có sự sẻ chia, động viên. Tôi thường chia sẻ với bố mẹ của các bé, nếu có điều gì chưa hài lòng thì hãy góp ý với chúng tôi nhưng đừng quát tháo, mắng chửi. Với những người có tâm lý yếu, họ rất dễ mất tinh thần dẫn đến nghỉ việc giữa chừng hoặc tệ hơn là phản ứng tiêu cực, dẫn đến những hành vi không chuẩn mực”, chị Vi Thị Thùy Dung giãi bày.