Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 1: Chuyện đời bên chiếc áo mưa rách

01/06/2023, 12:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vá áo mưa rách, hàn đồ nhựa, sửa viết hư, đổi tiền nát... Những nghề tưởng chỉ còn là ký ức khó quên của thời bao cấp nghèo khó nhưng vẫn đang lặng lẽ tồn tại.

Vá áo mưa, nghề cha truyền con nối hiếm hoi còn lại  - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Vá áo mưa, nghề cha truyền con nối hiếm hoi còn lại - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ấm êm nhờ... vá víu

Có khách đến, bà Lê Thị Thanh (50 tuổi) mở banh chiếc áo mưa tìm chỗ thủng rồi nói giá. Án chừng vết rách, bà xẻ miếng ni lông trùng màu đặt vào mặt trong điểm rách. Sau khi que hàn cho vào lò than đủ nóng, bà lấy ra chà qua sáp chà xát nhiều lần để miếng ni lông chảy nhựa dính vào chỗ áo mưa rách. Đợi đến khi áo mưa nguội, kiểm tra lại vết dán chắc chắn mới giao cho khách. Từ khâu làm nóng que hàn cho đến vá xong quá trình này đâu đó tốn chừng 3-5 phút cho mỗi lỗ vá.

"Ngó đơn giản nhưng vá cái này phải vừa chắc, vừa thẩm mỹ thì lần sau người ta mới tới. Dán chắc mà lem nhựa ra khách cũng khó chịu", bà Thanh nói thêm.

Tùy số lượng vết rách trên áo mà lấy tiền công nhưng thông thường mỗi chỗ vá giá chừng 10.000 đồng. Bà Thanh bảo cũng vì chiếc áo mưa giá chẳng đáng bao nhiêu nên mới phải thỏa thuận với khách trước khi nhận làm. Đương nhiên giá mỗi lần vá cũng chẳng bao giờ vượt quá 40.000 đồng hoặc quá nửa giá trị chiếc áo.

Quay trở lại thắc mắc của nhiều người về việc chiếc áo mưa chẳng phải thứ đồ vật mang nhiều giá trị hay kỷ niệm nhưng nhiều người vẫn mang vá, bà Thanh tung ra hai áo mưa vá rồi nhưng chưa giao cho khách. Hai áo mưa có cùng điểm rách dưới nách áo. Theo bà, những đoạn nối trên áo mưa như cổ áo, tay áo thường hay bị toạc ra. Cho dù khách bỏ áo cũ, đi mua mới chiếc áo cùng loại thì rồi cũng bị rách lại cùng một chỗ. Vậy nên nhiều người mới chấp nhận mang tới sửa.

"Cũng có phần do tính ăn chắc mặt bền của người miền Trung mình nữa nên chị em tôi mới sống được. Thứ gì còn mới, còn dùng được thì bà con vẫn chắt chiu sử dụng", bà Thanh nói. Đặc biệt giai đoạn trước đây khi kinh tế còn chưa phát triển, sắm cái áo mưa người dân dùng mùa này sang mùa khác. Vậy nên trừ khi vết rách lớn, còn những lỗ thủng nhỏ vá được thì nhiều người vẫn có thói quen mang đến sửa để dùng lại.

Nghề vá áo mưa thì đương nhiên vào mùa mưa mới có khách. Với thời tiết mùa mưa miền Trung kéo dài từ 2-3 tháng thì trung bình vào mỗi ngày hai chị em bà Thanh chia nhau số tiền công từ 200.000 - 300.000 đồng. Nhưng chính vì phụ thuộc vào thời tiết nên khi thu nhập bấp bênh, chị Thanh làm đủ nghề để mưu sinh.

Vào mùa nắng "bám đường", chị em bà còn kiêm luôn đánh giày, sửa dép, có khi chạy xe ôm, bán xăng lẻ cho khách. Dẫu vậy, họ vẫn vô cùng biết ơn cái nghề cầm que đã là nguồn thu nhập chính giúp nuôi sống cả nhà và mang đến tương lai cho con cái.

Sửa chữa kỷ niệm

Là khách quen gần 40 năm với tiệm sửa áo mưa của chị em bà Thanh, ông Lâm Sở Hào (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) kể giai đoạn trước đây nhà đông con nên không dễ sắm mỗi người một chiếc áo mưa. Ông làm công nhân môi trường, mỗi năm xí nghiệp tặng cho một chiếc áo mưa. Cả nhà giữ gìn, dồn liên tục nhiều năm mới chia ra được mỗi người một chiếc.

"Tôi nhớ thời vừa thoát khỏi bao cấp, có chiếc áo tôi mang gần chục năm, vá đi vá lại nhiều lần mà cô Lành vẫn vui vẻ làm dù áo nhựa cũ vá rất khó", ông Hào kể giờ có đồng ra đồng vào nhưng ông vẫn mang áo mưa rách ra đây vá như thuở còn khốn khó.

*******************

Thi thoảng trên đường ta bắt gặp cảnh người chạy xe máy kèm tiếng rao "ai tiền rách, tiền cũ đổi không?" nghe thiệt ngồ ngộ.

>> Kỳ tới: "Ai tiền rách, tiền cũ đổi hông..."

Theo tuoitre.vn
https://tuoitre.vn/nghe-chi-ma-la-rua-troi-ky-1-chuyen-doi-ben-chiec-ao-mua-rach-2023060110310922.htm
Copy Link
https://tuoitre.vn/nghe-chi-ma-la-rua-troi-ky-1-chuyen-doi-ben-chiec-ao-mua-rach-2023060110310922.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 1: Chuyện đời bên chiếc áo mưa rách