'Nghề' chủ tịch, CEO: Nơi 2 tỷ mỗi tháng, chỗ bèo bọt vài triệu đồng

12/03/2023, 18:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán, báo cáo thường niên 2022, trong đó đưa ra chi tiết mức lương thưởng, thù lao của lãnh đạo. Tùy vào tình hình làm ăn từng doanh nghiệp, có lãnh đạo “ẵm” vài tỷ đồng lương mỗi tháng nhưng có chỗ thù lao chỉ vài triệu đồng.

Lãnh đạo nhận lương khủng

Tại báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của Công ty cổ phần Masan Hightech Materials (mã: MSR), các thành viên trong hội đồng quản trị không hưởng bất cứ khoản thù lao nào trong năm kết thúc ngày 31/12/2022 và 31/12/2021.

'Nghề' chủ tịch, CEO: Nơi 2 tỷ mỗi tháng, chỗ bèo bọt vài triệu đồng - 1

Thu nhập của lãnh đạo Masan High-Tech Materials (ảnh: BCTC hợp nhất đã kiểm toán).

Ở ban điều hành, Tổng Giám đốc Craig Richard Bradshaw được nhận gần 24 tỷ đồng, trong khi năm ngoái là 39 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng vị này nhận được 2 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm ngoái.

Theo chú thích được ghi trong báo cáo, lương và thưởng cho tổng giám đốc được chi trả bởi một công ty con của công ty. Doanh thu của MSR năm 2022 là hơn 15.562 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm trước, còn lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với 2021 (cùng kỳ đạt 261 tỷ đồng).

'Nghề' chủ tịch, CEO: Nơi 2 tỷ mỗi tháng, chỗ bèo bọt vài triệu đồng - 2

Nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán, báo cáo thường niên 2022 (ảnh: Thesaigontimes).

Thực tế, trên sàn chứng khoán cũng có nhiều các doanh nghiệp có lương thưởng lãnh đạo ở mức cao.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán vừa công bố, Công ty CP FPT (mã: FPT) đã nêu chi tiết thu nhập dàn lãnh đạo. Trong mục khoản thù lao, các ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT, Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch HĐQT và ủy viên HĐQT Đỗ Cao Bảo không nhận thù lao.

Các uỷ viên HĐQT nhận mức khác nhau như ông Lê Song Lai (nhận 66 triệu đồng); bà Trần Thị Hồng Lĩnh (270 triệu đồng). Một số uỷ viên HĐQT người nước ngoài nhận mức thù lao cao như: Ông Jean Charles Belliol (870 triệu đồng/năm, cao hơn năm trước 260 triệu đồng), 2 ông Hampapur Rangadore và ông Hiroshi Yokotsuka mới được bổ nhiệm và cùng mức 1,75 tỷ đồng.

Ông Tomokazu Hamaguchi và Dan E Khoo có mức thù lao 574 triệu đồng, trong khi năm 2021 ghi nhận con số gần 2,3 tỷ đồng. Còn thù lao của thành viên Ban kiểm soát dao động từ 79 - 614 triệu đồng. Trong đó cao nhất là Trưởng ban Nguyễn Việt Thắng.

Ở công ty công nghệ này, tiền lương của Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa nhận được là 4,16 tỷ đồng, cao hơn mức gần 3,8 tỷ đồng năm trước. Với mức lương này, bình quân mỗi tháng ông Khoa nhận được khoảng gần 350 triệu đồng.

Người có mức lương cao thứ 2 ở tập đoàn này là Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Phương, với 3,25 tỷ đồng, tăng 250 triệu đồng so với 2021. Một phó tổng giám đốc khác là ông Hoàng Việt Anh nhận lương 2,6 tỷ đồng; ông Hoàng Hữu Chiến - kế toán trưởng là 1,82 tỷ đồng, cũng tăng so với năm trước.

Doanh thu hợp nhất của FPT năm 2022 là 44.023 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các khoản nêu trên, thu nhập của lãnh đạo FPT còn nhiều đáng kể bởi FPT đều đặn phát hành cổ phiếu ESOP (cổ phiếu được phát hành trong doanh nghiệp lớn) cho cán bộ công nhân viên.

Công ty CP Lương thực Thực phẩm Safoco (mã: SAF) với các sản phẩm chủ đạo là nui gạo, mỳ trứng, mỳ rau củ, bún khô, bún tươi… phổ biến trên các sạp siêu thị cũng vừa công bố báo cáo.

Năm 2022 được ban lãnh đạo SAF đánh giá là "thực sự khó khăn" khi khó khăn tuyển dụng, biến động tỷ giá, sản lượng tiêu thụ chậm... Theo đó, tổng doanh thu đạt 802 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 65 tỷ đồng, đều giảm so với năm trước.

Năm 2022, thù lao Chủ tịch HĐQT 90 triệu đồng, các thành viên HĐQT là 108 triệu đồng. Còn lương Tổng giám đốc năm 2022 là 2,57 tỷ đồng, Phó tổng giám đốc là hơn 933 triệu đồng. Kế toán trưởng công ty nhận mức lương hơn 771 triệu đồng.

Chỗ thù lao vài triệu đồng

Tưởng những năm giữ vị trí chủ chốt sẽ "hái ra tiền", nhưng cũng không thiếu người chỉ nhận mức thù lao ngang ngửa một nhân viên văn phòng bình thường với vài triệu đồng/tháng.

Đơn cử như thu nhập của lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư PVR Hà Nội (mã: PVR) khá èo uột, lý do là tình hình kinh doanh ảm đạm. Báo cáo thường niên cho thấy, năm 2022, HĐQT của công ty gồm 3 người có tổng mức thù lao là 150 triệu đồng. Trong đó, người nhận được nhiều nhất là Chủ tịch HĐQT với mức 90 triệu đồng; hai thành viên HĐQT chuyên trách và kiêm nhiệm nhận được mỗi người 30 triệu đồng.

Ba thành viên của Ban kiểm soát nhận được tổng 48 triệu đồng, trong đó trưởng ban nhận được 30 triệu đồng, một thành viên nhận 18 triệu đồng, còn một người không có thù lao. Bộ máy ban giám đốc nhận được 124,8 triệu đồng. Trong đó, giám đốc nhận 54,2 triệu đồng và kế toán trưởng nhận 70,6 triệu đồng.

Tổng cộng số tiền thù lao lãnh đạo công ty nhận được là 322,8 triệu đồng. Bình quân thù lao của chủ tịch là 7,5 triệu đồng/tháng, vị trí giám đốc hơn 4,5 triệu đồng/tháng.

Tại Công ty cổ phần SCI E&C (mã: SCI), lương và thù lao của ông Nguyễn Công Hùng - người vừa làm đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT hôm 7/3 là 185 triệu đồng, bình quân mỗi tháng hơn 15 triệu đồng. Ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT hiện tại của công ty nhận mức 636 triệu đồng, khoảng 53 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Chính Đại - vừa được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐQT từ đầu năm 2023 - nhận mức lương và thù lao là hơn 759 triệu đồng, tức hơn 63 triệu đồng/tháng. Trước khi nắm giữ chức phó chủ tịch, ông này đảm nhiệm vai trò giám đốc.

Năm 2022, cả doanh thu và lợi nhuận gộp của SCI E&C đều bị sụt giảm so với cùng kỳ, lần lượt là 77% và 44%. Nguyên nhân được đưa ra là do ảnh hưởng chung của suy thoái, việc tìm kiếm và triển khai các dự án mới gặp nhiều khó khăn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nghề' chủ tịch, CEO: Nơi 2 tỷ mỗi tháng, chỗ bèo bọt vài triệu đồng