Từng được coi trọng nhưng nghề giáo ở Hàn Quốc đang dần mất đi sức hút và vị thế khi điểm chuẩn của các trường sư phạm năm 2025 giảm kỷ lục.
Cách đây ba năm, khi đỗ vào một trường sư phạm, Choi, 23 tuổi, tin rằng mình đang bước vào một nghề nghiệp nhiều người mơ ước - ổn định và đầy ý nghĩa.
Nhưng Choi đang nghĩ lại. Lo lắng khi quyền hạn của giáo viên trong trường học ngày càng suy giảm, cộng với bất an về triển vọng lâu dài của nghề này, Choi đã xin thôi học để chuẩn bị thi lại đại học. Lần này, anh theo đuổi ngành Dược.
"Giáo viên giờ không thể dạy như trước nữa", Choi nói. "Họ liên tục bị thách thức, giám sát và thiếu tôn trọng. Lớp học ngày càng trở thành một môi trường khó kiểm soát".
Theo Choi, giáo viên hiện thường xuyên phải đối mặt với những cuộc cãi vã, thậm chí đối đầu pháp lý, từ học sinh và phụ huynh. Suy nghĩ của Choi và nhiều người trẻ Hàn Quốc là một trong những lý do nghề giáo đang dần mất đi sức hút và vị thế.
Theo số liệu mà Học viện Jongro - một cơ sở giáo dục tư nhân công bố, ngưỡng điểm tuyển sinh chính quy ở các đại học sư phạm năm nay đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Ở một số hình thức tuyển sinh đặc biệt, học sinh có điểm các môn học thấp đến mức xếp bậc 7 vẫn được nhận. Tại Hàn Quốc, các trường trung học xếp loại học sinh theo 9 bậc (bậc 1 cao nhất, bậc 9 thấp nhất). Ngay cả với các đợt tuyển sinh chung, vốn thu hút học sinh giỏi, nhiều trường hợp có điểm trung bình các môn học (GPA) bậc 6 vẫn đỗ.
"Điều này cực kỳ hiếm, cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ về mức độ quan tâm, ngay cả từ nhóm học sinh có học lực trung bình", ông Im Sung-ho, người đứng đầu Học viện Jongro, đánh giá.
Tại Đại học Giáo dục Quốc gia Chuncheon, ngưỡng điểm GPA tuyển sinh đã giảm từ 4.73 năm ngoái xuống 6.15 năm nay. Tình hình ở Đại học Giáo dục Quốc gia Gwangju tương tự. Ngay cả trường sư phạm danh tiếng nhất Seoul cũng ghi nhận điểm đầu vào giảm từ 1.97 xuống 2.1.
Theo các chuyên gia, tiền lương không tăng, chính sách giáo dục thay đổi thường xuyên, gánh nặng hành chính ngày càng lớn và các vụ bạo lực học đường... đã làm suy giảm sức hấp dẫn của nghề giáo.
Như về tiền lương, mức cơ bản của giáo viên mới ra trường từ 2,19-2,25 triệu won (1.600 USD) mỗi tháng, vào năm 2024. Trong khi, mức chi tiêu của một hộ gia đình là 2,46 triệu won, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Hàn Quốc.
Báo cáo của Ủy ban Giáo dục Quốc hội nước này cho thấy giai đoạn 2019-2023, hơn 32.700 giáo viên, từ bậc tiểu học đến THPT, bỏ việc trước khi đến tuổi nghỉ hưu. Tính từ tháng 3 đến tháng 8/2024, thêm 3.300 giáo viên nữa rời ngành, theo Korea Times.
"Nghề giáo từng là một nghề nghiệp có tầm ảnh hưởng, nơi bạn có thể định hình cuộc sống người khác và được đối xử tôn trọng", Choi chia sẻ. "Giờ đây, cảm giác như bạn bước vào chiến trường mà hai tay bị trói".
"Đây là một nghịch lý đáng lo ngại", Choi nói thêm. "Xã hội đòi hỏi kết quả giáo dục cao nhưng lại đang dần mất đi chính những người có thể mang lại điều đó".