Người Đưa Tin: Ngoài phục dựng trang phục cung đình, nghệ nhân còn làm gì khác để duy trì niềm đam mê với nghề thêu?
Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi: Tôi dành 70% thời gian của mình cho phục dựng, còn 30% tôi dành để làm những công việc khác như: sản xuất những trang phục phục vụ tâm linh (khăn chầu, áo ngự); các bộ trang phục phục vụ cho lễ hội, trình diễn; nghiên cứu phát triển nghệ thuật thêu ứng dụng vào mảng thời trang; thêu tranh phong thủy trang trí nội thất… Chính những điều này đã đem nghệ thuật thêu cung đình thời xưa đến gần hơn với mọi người và nuôi dưỡng niềm đam mê của tôi.
Người Đưa Tin: Có nhận định rằng nghề thêu đang ngày càng bị mai một và bị công nghiệp hóa bằng những chiếc máy thêu, trang phục thêu không còn những nét thêu tỉ mỉ, mềm mại như ngày xưa nữa. Là một nghệ nhân, ông nghĩ sao về điều này?
Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi: Tôi nghĩ, do nhu cầu của thị trường và điều kiện của những người sử dụng chỉ cần vậy, nên nghề thêu bây giờ bị công nghiệp hoá cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, cá nhân tôi mấy chục năm tâm huyết cảm thấy khá buồn vì những nét thêu thủ công tinh xảo đang bị thất truyền. Bởi, những nét thêu ấy thứ nhất là rất mất công, thứ hai lâu công, thứ ba là giá trị của nó cao. Nhiều yếu tố cộng lại khiến nghề thêu đang dần bị mai một. Tất nhiên, nó không mất đi nhưng nó sẽ bị phai nhoà dần vì công nghệ hóa nhiều quá.
Người Đưa Tin: Cảm ơn Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi về cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa!
Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi sinh năm 1969 ở thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Tp.Hà Nội. Ông là người duy nhất ở Việt Nam nắm giữ hồn cốt nghệ thuật thêu cung đình, kỹ thuật thêu hội tụ tinh túy nhất của nghề thêu. Hơn 4 thập kỷ gắn bó với nghề, ông đã nhận được nhiều giải thưởng từ cấp thành phố cho đến cấp Bộ, cấp Nhà nước. Trong đó, thành tựu lớn nhất là bằng khen và danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân được Chủ tịch nước phong tặng vào năm 2016. |