Là một nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực điêu khắc ánh sáng, Bùi Văn Tự luôn hướng nghệ thuật mà mình theo đuổi để soi chiếu đề tài lịch sử.
Bùi Văn Tự sinh năm 1992, tại xã Gia Lâm, huyện Nho Quan (Ninh Bình) nhưng lại bén duyên với gốm và ở lại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Bước vào lĩnh vực nghệ thuật hiếm có ở Việt Nam, nhưng anh Tự đã tìm tòi và khắc sâu những dấu ấn nghệ thuật với sự độc lạ ẩn chứa đầy bất ngờ.
Những ngày cuối tháng 5, tại Bảo tàng gốm Bát Tràng - Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt đông khách hơn thường ngày bởi sự kiện trưng bày điêu khắc ánh sáng với chủ đề “Thắp đèn soi niên sử”. Khách đến bảo tàng không chỉ ngắm gốm mà được thưởng thức sự ảo diệu của nghệ thuật ánh sáng và sự tìm kiếm “bóng của hình”.
Khi ánh sáng chưa bật, trước mặt người xem là những vật thể được sắp đặt theo chủ ý. Những vật thể đó hầu hết từ chất liệu gỗ lũa hay cây bonsai mà nếu nhìn thật kỹ cũng rất khó để tưởng tượng tác phẩm đó là gì? Thế nhưng khi bóng điện bật lên, ánh sáng soi chiếu vào vật chủ để in hình hài lên tấm phông trắng phía xa, thì tác phẩm hiện hình.
Một vật chủ gỗ lũa qua sự soi chiếu của ánh sáng, thật tài tình là kết quả thu nhận được lại là bức chân dung của các nhân vật lịch sử danh nhân Việt Nam. Từ vua Hùng cho đến vua nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, anh hùng Nguyễn Trãi... hiện lên với hình dáng, nét mặt trong những bối cảnh tái hiện sinh động, sắc nét.
Nếu ánh sáng được bật sẵn và không có người thuyết minh, người chưa từng tiếp xúc với nghệ thuật điêu khắc ánh sáng sẽ dễ nhầm tưởng những bức chân dung trên nền phông trắng kia là các hình vẽ, hình in tinh xảo. Nhưng khi tắt các bóng điện phản chiếu, tất cả tác phẩm biến mất không dấu vết, thứ còn lại trước mắt chỉ là các khối gỗ lũa thô mộc không có hình hài như tác phẩm chân dung.
Anh Bùi Văn Tự cho biết, trưng bày “Thắp đèn soi niên sử” được thiết kế công phu nhằm đem đến cho người thưởng lãm những bất ngờ không chỉ trong cách thức thưởng ngoạn nghệ thuật, mà còn ẩn sâu ý nghĩa tái hiện đề tài lịch sử, tạo dấu ấn riêng và đem lại cảm nhận mới mẻ đối với công chúng.
“Thắp đèn soi niên sử” được đánh giá là triển lãm nghệ thuật hào hùng về lịch sử nước nhà, về thời kỳ dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền hòa bình của dân tộc. “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” - đó là nguồn cảm hứng sục sôi trong tôi để hình thành các tác phẩm về các danh nhân, anh hùng dân tộc”, anh Tự chia sẻ.
Anh Tự cũng cho rằng, khi nghiên cứu và thực hành nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, anh tình cờ phát hiện điều thú vị: Điêu khắc ánh sáng có hai thuộc tính là hình và bóng - giống hệt ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng có nghĩa đen và nghĩa bóng. Thuộc tính đó đặc biệt phù hợp để kể những câu chuyện về văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Đi sâu vào đề tài lịch sử, vào tháng 4/2024 anh Tự cũng thực hiện một tác phẩm độc đáo trong “Hành trình nhật ký xuyên không” tại quê hương Ninh Bình. Gần 100 tác phẩm điêu khắc ánh sáng tái hiện các giai đoạn phát triển của con người. Từ khi con người phát hiện ra lửa đến thời kỳ nông nghiệp rồi đến thời kỳ cách mạng khoa học kỹ thuật.
Đặc biệt, tác phẩm Bác Hồ được anh Tự tái hiện trên một ngọn núi cao hàng trăm mét ngay tại Gia Lâm (Nho Quan) đã thể hiện chiều sâu và ý nghĩa không giới hạn của nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.
Hình ảnh Bác Hồ với nụ cười hiền dịu trên vách núi được anh Tự thực hiện trong 3,5 tháng ròng rã trước khi được trình chiếu trước đông đảo nhân dân địa phương nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người xem - đặc biệt là học sinh rất hào hứng với nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. |
Từng khiến giới chuyên môn kinh ngạc và thán phục về điêu khắc ánh sáng, thế nhưng ít ai biết về hành trình mà nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự đến với trường phái nghệ thuật này.
“Trong một lần dựng hòn non bộ, khi dùng đèn hắt vào tường, tôi vô tình thấy bóng của nó giống như hình một chú gấu. Lúc đó tôi chợt nghĩ, tại sao mình không điêu khắc ánh sáng theo ý tưởng và hình thù riêng? Hành trình đi tìm “hình” của những chiếc “bóng” chính thức bén duyên từ đó”, anh Tự thổ lộ.
Bùi Văn Tự từng tham gia chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt”. Nghệ thuật độc đáo và tài năng của anh đã chinh phục ban giám khảo và khán giả để đi thẳng vào vòng chung kết. Tuy nhiên, cho đến năm 2020 anh mới chính thức khởi nghiệp và dành toàn bộ thời gian cho nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.
Từ đó đến nay, nhiều tác phẩm được thực hiện, nhiều triển lãm được tổ chức nhằm đem đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc về nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Anh thường tìm nguồn cảm hứng sáng tạo từ những câu chuyện về đời sống, văn hóa, lịch sử… để chuyển cái hay, nét đẹp và sự kỳ diệu của cuộc sống.
Trong tháng 5/2024, trước thềm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã cho ra mắt bộ sưu tập nghệ thuật “Huyền thoại Điện Biên” và được chọn trưng bày tại triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam”.
Hình ảnh Bác Hồ được nghệ nhân Bùi Văn Tự thực hiện và trình chiếu trên vách núi tại Nho Quan (Ninh Bình). |
Bộ sưu tập gồm ba tác phẩm: Chiến sĩ Điện Biên, Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tự hào Việt Nam - với mong muốn bày tỏ sự tri ân tới thế hệ cha ông. Từ hình ảnh mô phỏng chiếc bao tải đựng lương được ngụy trang bởi những cành cây, khi có ánh đèn chiếu rọi, bóng của chiếc bao tải và cành cây hòa vào nhau tạo nên hình ảnh người dân công lái xe thồ băng rừng vượt núi. Đặc biệt khi ánh sáng xoay chuyển, từ tác phẩm mang hình ảnh dân công lái xe thồ dần biến chuyển thành người chiến sĩ Điện Biên giơ cao lá cờ quyết thắng.
Với tác phẩm chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cái nhìn đầu tiên là hình ảnh mô phỏng hệ thống giao thông hào, khi có ánh sáng chiếu rọi những chi tiết của núi rừng được hòa quyện và đan vào nhau, khắc hoạ nên chân dung của một thiên tài quân sự, vị Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Điêu khắc ánh sáng là trường phái nghệ thuật mới, đòi hỏi nhiều yếu tố như tài năng, thẩm mỹ, hội họa, kiến trúc, mỹ thuật… Nghệ nhân Bùi Văn Tự là một trong những người tiên phong khai mở và phát triển loại hình này tại Việt Nam. Các tác phẩm của anh không những đảm bảo sự chặt chẽ về bố cục, ánh sáng mà còn toát lên những câu chuyện, thông điệp rất ý nghĩa, nhân văn”, GS Trương Quốc Bình - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.