Hiện em sống tại Mỹ nên cơ hội diễn tại Ba Lan ít hơn trước, nhưng hè nào cũng quay lại Ba Lan để biểu diễn tại các không gian công viên nghệ thuật và tại nhà nhạc sĩ Chopin (Sô-panh). Tại Mỹ thì vừa rồi em cũng diễn sau khi thi học kỳ xong và cơ hội diễn ở Mỹ cũng không hiếm.
- Việt Trung có thường xuyên biểu diễn âm nhạc Việt Nam?
Khi ở Ba Lan hay bất kỳ quốc gia nào, em cũng thường chọn các tác phẩm của Việt Nam để biểu diễn. Ví dụ mới đây, em có biểu diễn bài “Trống cơm” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc và được người nước ngoài đặc biệt thích thú. Một trong lý do người nước ngoài thích các giai điệu Việt Nam bởi giàu chất thơ. Tất cả khán giả đều vỗ tay rất nồng nhiệt.
- Trung có lo lắng về đêm diễn sắp tới tại Hà Nội?
Em nghĩ sẽ ổn và rất tự tin, dù rất nhiều áp lực nhưng đó cũng là những áp lực tốt. Em vẫn đang luyện tập chăm chỉ với dàn nhạc và chắc chắn sẽ đem lại kết quả tốt nhất.
Căng thẳng đi cùng sự hưng phấn, vì đây là lần đầu tiên em biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời và hợp tác với nhạc trưởng Olivier Ochanine. Đây là vị nhạc trưởng mà em đã theo dõi từ khi dàn nhạc được thành lập. Sau này khi có cơ hội tiếp xúc, em rất ngưỡng mộ và cảm thấy may mắn, vinh dự khi được hợp tác với ông.
- Việt Trung cảm nhận thế nào về thị hiếu âm nhạc cổ điển giữa khán giả Việt Nam so với châu Âu?
Không phải chỉ ở Việt Nam mà ở các nước, mọi người hay nghĩ rằng âm nhạc cổ điển là phải có kiến thức, phải ăn mặc đẹp để đến nhà hát. Thế nhưng thế này, như em hay các bạn khác có nhiệm vụ là “đem âm nhạc cổ điển đến tất cả mọi người” chứ không chỉ riêng với người có kiến thức, biết thẩm định...
Ở nước ngoài, ngày Chủ nhật thường có các cuộc biểu diễn ở công viên để những người bận rộn, cùng gia đình đến thưởng thức và có thể đi bất cứ lúc nào. Ở Việt Nam đang có sự thay đổi rất nhiều, cũng có những cuộc biểu diễn nhạc cổ điển ở ngoài trời. Văn hóa nghe nhạc cổ điển ở Việt Nam không kém gì nước ngoài, chỉ là ở nước ngoài phổ biến hơn.
- Ngoài piano, Trung có thích chơi nhạc cụ nào khác?
Hồi bé em thích chơi cả piano, cả violin nhưng thực ra em chưa học violin bao giờ, em thích nghe violin trong dàn nhạc và trở thành nhạc công violin trong dàn nhạc. Nhưng song hành cả hai là hơi khó vì em còn phải học văn hóa, thế nên chỉ nên tập trung vào piano.
- Một ngày không động đến phím đàn, Trung có chịu nổi?
Dạ em chịu được, nhưng chỉ khoảng 3 ngày mà không động vào thì chắc chắn không thể chịu được. Chỉ sau những cuộc thi lớn hoặc biểu diễn lớn thì em mới phải nghỉ 3 ngày để tay và tâm lý được ổn định.
- Nhưng có khi nào Trung sợ khi phải động vào phím đàn?
Em có nghe nói đến hiện tượng này, nhiều người nhìn vào phím đàn là sợ, là hoang mang và ngồi vào ghế lại đứng lên đi ra. Trước em không thể tin, nhưng em cũng có nghe bạn bè chia sẻ điều này, đó là nỗi sợ khó xác định, khó gọi thành tên, sợ mà không biết vì sao lại sợ. Em may mắn là không gặp phải hiện tượng này.
- Việt Trung có phải đặc biệt bảo vệ cho đôi bàn tay?
Có, phải rất bảo vệ. Em rất đam mê thể thao, nhất là bóng đá. Nhưng trước các cuộc biểu diễn quan trọng thì em không dám chơi thể thao, có thể phải kiêng đến 1 - 2 năm, mà chỉ rèn luyện sức khỏe bằng cách chạy bộ, tránh va chạm.
- Một ngày Trung dành thời gian bao lâu cho piano?
Vì em song hành học văn hóa và vướng khá nhiều công việc nên tối thiểu phải dành 5 tiếng đồng hồ cho piano. Thế nhưng thế này - đó phải là 5 tiếng rất tập trung, có thể tập 8 tiếng nhưng nếu không tập trung thì cũng không ăn thua.
- Việt Trung có muốn chia sẻ điều gì với công chúng Việt Nam về nhạc cổ điển?
Em mong muốn công chúng trước khi đi nghe thì không nên suy nghĩ nhiều và đừng nghĩ rằng mình không đủ trình độ thẩm định. Mình cứ đi để nghe thôi, nghe để cảm nhận dù cuộc biểu diễn ấy trong nhà hát hay ngoài công viên.
- Cảm ơn những chia sẻ của Việt Trung. Chúc Việt Trung thành công trong đêm diễn sắp tới!
Tài năng piano Nguyễn Việt Trung có kinh nghiệm biểu diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp từ Đức, Pháp, Ukraine, Nga, Hungary, Ba Lan, Hoa Kỳ, Thái Lan cho tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Trong sự nghiệp độc tấu piano, anh đã trình diễn với những dàn nhạc danh tiếng như: Dàn Nhạc Giao hưởng Warsaw, Dàn nhạc Đài Phát thanh Ba Lan và Dàn nhạc Giao hưởng Lublin, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội và Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM, dưới sự chỉ huy của các nhạc trưởng nổi tiếng như Wojciech Czepiel, Lê Phi Phi, Honna Tetsuji, Łukasz Borowicz, Marek Pijarowski, Wojciech Rodek, Jacek Rogala.