Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung: Tiếng dương cầm chạm tới trái tim Hà Nội

08/04/2024, 08:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Du dương trầm bổng, những ngón tay phiêu của Nguyễn Việt Trung trong 24 biến tấu kinh điển khiến cả nhà hát không một tiếng động.

Tác phẩm được ra mắt vào ngày 7/11/1934 tại Lyric Opera House, Baltimore với tác giả chơi piano và Leopold Stokowski chỉ huy Philadelphia Orchestra và ngay lập tức nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ phía công chúng. Phản ứng tích cực đến nỗi Rachmaninoff đã sửng sốt nói rằng: “Bằng cách nào đó, thật đáng ngờ khi Rhapsody đã có được thành công tới tất cả mọi người”.

Ngón tay phiêu trên 24 biến tấu

Rhapsody bắt đầu với một đoạn giới thiệu ngắn và thật bất ngờ lại không dẫn đến chủ đề chính mà là biến tấu 1: một nét giai điệu của Paganini được tối giản. Sự khởi đầu độc đáo này có thể được lấy cảm hứng từ chương cuối bản Giao hưởng số 3 “Eroica” của Beethoven, khi chủ đề và các biến tấu được bắt đầu theo cùng một cách.

Sau đó, bè violin chơi chủ đề chính và piano chơi các nốt đơn giản của biến tấu đầu tiên. Tại thời điểm này, Rachmaninoff đã nói: “Paganini xuất hiện với chúng ta lần đầu tiên”. Các biến tấu tiếp theo mang đến cho nghệ sĩ piano cơ hội thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện của mình.

Sau đó âm nhạc chậm lại, biến tấu 7 giới thiệu chất liệu âm nhạc mới: chủ đề “Dies irae” - một bản thánh ca truyền thống thời trung cổ của đạo Thiên chúa dành cho người chết được miêu tả là “ngày giận dữ”, phán quyết cuối cùng vào ngày tận thế.

Một cách tài tình, Rachmaninoff đã khám phá ra “Dies irae” có liên hệ với chủ đề Paganini theo cách mà cái này có thể là biến tấu của cái kia. Trong phiên bản ballet, ông cho biết: “Tất cả các biến tấu Dies irae đều dành cho linh hồn ác quỷ… Lần đầu tiên xuất hiện trong biến tấu 7”.

Ở đây, âm nhạc chậm lại và tiếng piano hài hòa của Dies irae được đệm với tiếng bassoon và cello chơi pizzicato. Các biến tấu tiếp theo ngày càng trở nên ma quái, với một biến tấu được bè dây chơi col legno (dùng phần gỗ của vĩ để kéo dây), tạo hiệu ứng rùng rợn đặc biệt.

Với tài năng và kinh nghiệm, nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung đã thể hiện xuất sắc trong đêm diễn tối 30/3.
Với tài năng và kinh nghiệm, nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung đã thể hiện xuất sắc trong đêm diễn tối 30/3.
Nhạc trưởng người Pháp - Olivier Ochanine bắt tay cảm ơn nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung.
Nhạc trưởng người Pháp - Olivier Ochanine bắt tay cảm ơn nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung.

Biến tấu 11 là sự biến đổi sang địa hạt của tình yêu, biến tấu 12 – khúc minuet – lần đầu tiên người phụ nữ xuất hiện… Biến tấu 11 bắt đầu với tiếng tremolo nhẹ nhàng của bè dây, đệm cho piano chơi hầu như là ứng tác và các quãng âm giai nửa cung cao. Phần minuet chậm rãi, duyên dáng được nghệ sĩ piano chơi trên tiếng đệm pizzicato tinh tế của bè dây. Toàn bộ phần giữa từ biến tấu 11 đến 18 là dành cho tình yêu.

Những biến tấu này chứa đựng những tính chất và tâm trạng đa dạng từ chủ nghĩa anh hùng của biến tấu 14 cho đến sự dịu dàng của biến tấu 18 - phần nổi tiếng nhất của toàn bộ Rhapsody. Biến tấu 19 là chiến thắng của nghệ thuật Paganini, những nốt pizzicato ma quỷ.

Trong các biến tấu sau, sự căng thẳng tăng lên khi nghệ sĩ độc tấu thực hiện những đoạn nhạc với độ khó kinh hoàng hơn bao giờ hết. Cuối cùng bị đánh bại, Paganini xuất hiện lần cuối cùng trong 12 ô nhịp đầu của biến tấu 23 và sau đó, cho đến cuối là chiến thắng của những kẻ chinh phục.

Biến tấu 23 bắt đầu với sự trở lại của chủ đề chính trên piano và sau 12 ô nhịp, bị dàn nhạc bất ngờ cắt ngang, điều này mở ra sự thay đổi giọng đột ngột, chói tai của chủ đề. Bản

Rhapsody kết thúc với một đoạn nhại lại khá kỳ quặc của chủ đề Dies irae chiến thắng trên toàn bộ dàn nhạc. Khi Paganini có thể đã ngã xuống, nghệ sĩ piano được cười cuối cùng, kết thúc tác phẩm bằng một cái nháy mắt và mỉm cười.

Trong một không gian lắng đọng, tinh tế đầy chất hàn lâm của âm nhạc cổ điển, Nguyễn Việt Trung và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời đã có một đêm diễn trọn vẹn cảm xúc. Tiếng dương cầm vang xa, khiến người nghe cũng cảm giác nhà hát rộng lớn kia bỗng hóa “ngôi nhà nhỏ”. Và trùng hợp nữa, đêm 30/3 – cũng là đêm “vọng Phục sinh” trong đạo Công giáo khiến tiếng dương cầm hòa cùng tiếng chuông đêm từ Nhà thờ Lớn.

Từ một đêm diễn, những đôi mắt nhắm nghiền, những bản nhạc du dương mà ở đó sự tinh tế có thừa, sự ma mị cũng chẳng thiếu từ những khúc biến tấu của thiên tài. Trong một không gian của kinh kỳ lịch sử, tiếng dương cầm, tiếng chuông ngân và cả tiếng sóng Hồ Gươm như hòa làm một để chạm tới những sâu lắng nhất của kinh kỳ thanh lịch và Hà Nội hào hoa.

Trong thông điệp của mình, O.Ochanine nói: “Kỉ niệm 150 năm ngày sinh của Rachmaninoff, buổi hòa nhạc giới thiệu một nhà soạn nhạc nổi tiếng với dòng nhạc vô cùng trữ tình, giống như những bài hát Việt đã đồng hành trong đời sống tại nơi này.

Trên thực tế, một số giai điệu của Rachmaninoff đã được sử dụng làm giai điệu chính trong các bài hát nổi tiếng khắp thế giới như “Never Gonna Fall in Love Again”, “Trăng tròn và vòng tay trống rỗng”, “Tất cả bởi chính tôi” và nhiều hơn thế nữa!”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nghe-si-piano-nguyen-viet-trung-tieng-duong-cam-cham-toi-trai-tim-ha-noi-post678170.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nghe-si-piano-nguyen-viet-trung-tieng-duong-cam-cham-toi-trai-tim-ha-noi-post678170.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung: Tiếng dương cầm chạm tới trái tim Hà Nội