Dù có nhiều yêu cầu khắt khe về ngoại hình, sức khỏe, ngoại ngữ... nhưng số lượng người ứng tuyển nghề tiếp viên hàng không vẫn tăng đều đặn...
Nguyễn Thị Huyền Thu (24 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) hiện làm việc tại tổ bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam chia sẻ, vì là ngành nghề đặc thù nên yêu cầu đối với nhân viên hàng không, cụ thể là tiếp viên cũng rất cao.
Huyền Thu cho biết, hầu hết trong suy nghĩ của mọi người, phải có ngoại hình sáng mới được lựa chọn làm tiếp viên hàng không. Thực tế, các nhà tuyển dụng có yêu cầu nhất định về ngoại hình như: Chiều cao, cân nặng, không có xăm, sẹo hay dị tật... Song, chỉ xét về yếu tố ngoại hình là chưa đủ.
Trước hết, nghề tiếp viên hàng không có quy định về tuổi. Độ tuổi tuyển dụng tiếp viên của các hãng thường rơi từ 18 - 30. Bởi đặc thù làm việc ở trên không (bay chênh lệch múi giờ, đứng trong nhiều giờ liền, chỉn chu trong từng cử chỉ...) nên nghề này đòi hỏi tiếp viên hàng không cần có một sức khỏe tốt, các giác quan đảm bảo, không bị cận, mù màu. Chính vì vậy, độ tuổi càng trẻ càng lợi thế. Bên cạnh đó, các hãng hàng không luôn muốn “làm mới” tiếp viên để tăng trải nghiệm cho hành khách.
Trong khi bạn bè đang nghỉ ngơi, “xả hơi”, tận hưởng mùa Hè thì Trần Quang Anh (18 tuổi, quê Thái Bình) vẫn miệt mài đi học thêm tiếng Hàn tại trung tâm. Quang Anh cho biết, về trình độ văn hóa, để làm tiếp viên hàng không chỉ cần có bằng THPT. Tuy nhiên, vì đặc thù nghề nghiệp, tiếp viên phải giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Mỗi hãng hàng không sẽ có yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ khác nhau.
“Tiếp viên hàng không là công việc mơ ước của em từ thuở nhỏ. Ngay từ khi học lớp 10, em đã cố gắng tập trung học tiếng Anh. Mục tiêu của em là ứng tuyển vào Hãng Hàng không Vietjet. Vì đó, em đã tìm hiểu và đi thi chứng chỉ TOEIC đạt 400 điểm, vừa đủ số điểm mà hãng yêu cầu. Dù vậy, nếu biết 2 ngoại ngữ sẽ là lợi thế với những người tiếng Anh không quá xuất sắc như em. Bởi vậy, em lựa chọn học thêm tiếng Hàn”, bạn trẻ này tâm sự.
Sau khi đã qua vòng tuyển dụng đầu tiên, các tiếp viên sẽ được đào tạo chuyên môn đặc biệt. Công tác đào tạo tiếp viên hàng không thường có thời gian 3 tháng. Trong đó, tất cả các hãng đều có trung tâm riêng biệt, đào tạo về các môn học an toàn bay, phục vụ khách hàng, kiến thức sơ cấp cứu, nhận biết các hàng hóa nguy hiểm. Ngoài ra, học viên phải học các môn học khác do Cục Hàng không Việt Nam đưa ra.
Thu nhập bình quân của tiếp viên các hãng hàng không tại Việt Nam dao động từ 16 - 26 triệu đồng/tháng (tùy hãng và tùy vị trí công việc). Tiếp viên khoang thương gia hoặc tiếp viên trưởng có thể đạt thu nhập tới 70 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, để đạt được mức thu nhập như vậy, các tiếp viên phải chấp nhận lịch trình làm việc dày đặc, thậm chí khi mới vào nghề có thể khiến các bạn trẻ bị ngợp.
Nguyễn Thị Huyền Thu cho biết, các tiếp viên sẽ được chia lịch bay theo tuần. Trước mỗi chuyến bay, họ phải có mặt ở sân bay trước 1 - 2 giờ (tùy chuyến bay quốc nội hay quốc tế). Trong hành trình bay, công việc của tiếp viên là chăm sóc hành khách: Phụ giúp xếp hành lý trên khoang chứa đồ, điều phối chỗ ngồi, chuẩn bị đồ ăn thức uống để phục vụ hành khách, dọn dẹp sau chuyến bay...
Yêu cầu khắt khe, công việc cường độ cao với lịch trình dày đặc, thế nhưng công việc tiếp viên hàng không vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt với những người trẻ tuổi, ưa khám phá. Ngay khi rời sân bay, tiếp viên được hãng chuẩn bị xe đưa đón, đặt phòng khách sạn tiêu chuẩn 4 sao trở lên để nghỉ ngơi thoải mái nhất. Ngoài ra, họ còn được chi trả công tác phí cho thời gian lưu trú tại nước ngoài, khoảng 30 USD/ngày (khoảng 760 nghìn đồng).
Huyền Thu chia sẻ, từ khi “bén duyên” với nghề, cô được đặt chân tới rất nhiều vùng đất mới. Không chỉ trong nước, tiếp viên hàng không còn có cơ hội khám phá nhiều nền văn minh ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng như kết bạn bốn phương. Những trải nghiệm mới mẻ, những bức hình “check-in” khắp nơi trên thế giới mang đến sức hấp dẫn khó cưỡng khiến các bạn trẻ như Huyền Thu thích thú.
Trần Quang Anh cho biết, theo như tìm hiểu, các tiếp viên hàng không sẽ có 20 vé máy bay miễn phí mỗi năm (không kể bay quốc nội hay quốc tế). Vé được sử dụng cho tiếp viên hoặc các thành viên trong gia đình của họ. Quang Anh tâm sự, vì kinh tế gia đình không quá dư dả nên mỗi năm cả gia đình chỉ được đi du lịch bằng máy bay một lần, vào dịp nghỉ hè. Bản thân Quang Anh và bố mẹ em chưa từng được đi du lịch nước ngoài. Bởi vậy, Quang Anh quyết tâm và kiên trì với công việc mơ ước.
Mặt khác, Quang Anh quan sát thấy các tiếp viên luôn xuất hiện với ngoại hình, trang phục chỉn chu (dù lịch trình bay vào sáng sớm hay đêm muộn). Vì vậy, bạn trẻ này cho rằng, môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng là yếu tố quan trọng, là nơi rèn luyện phẩm chất, tác phong giúp có cơ hội phát triển trong tương lai.
Độ tuổi nghỉ hưu của tiếp viên được quy định theo Luật Lao động (55 với nữ, 60 với nam). “Tuy nhiên theo như các đồng nghiệp của tôi chia sẻ, ít tiếp viên nào làm việc sau 40 tuổi. Bởi lúc này họ không đủ sức khỏe để chịu được các chuyến bay dài liên tục. Thay vào đó họ chọn các chuyến bay ngắn hoặc xin chuyển sang một số bộ phận khác”, Huyền Thu chia sẻ.