Ước mơ thành kỹ sư công nghệ
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nữ sinh Nguyễn Thị Thùy đăng ký xét tuyển đại học khối C00, với dự định theo nghề sư phạm. Thế nhưng, khi biết được điểm của 3 môn xét tuyển đại học, gồm: Văn 8,75, Lịch sử 8,5 và Địa lý 8,25, nữ sinh khuyết tật này đã quyết định “bẻ lái”, và đăng ký vào học ngành Công nghệ thông tin, Đại học Hà Nội.
Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy (giữa) cùng các bạn học. |
“Dù em đăng ký thi khối C, nhưng cảm thấy mình cũng có sở trường Toán học và các môn khoa học tự nhiên. Bên cạnh đó, được thầy, cô tư vấn và nhiều ngày tìm hiểu, nên em quyết định theo học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Hà Nội. Hiện tại, em đã gửi hồ sơ xét tuyển và nhận thông báo trúng tuyển thẳng vào trường bằng phương thức xét học bạ”, Thùy chia sẻ.
Ngồi bên cạnh con, bà Tới bảo: “Tôi cũng không biết cháu nó lựa chọn ngành nghề gì cho tương lai, nhưng vẫn tôn trọng quyết định của con. Tôi nghe cháu nói, học cái ngành này, sau khi ra trường, thường ngồi máy tính nhiều, ít phải di chuyển và sẽ phù hợp với hoàn cảnh, cơ thể của cháu".
Dù nói như vậy, nhưng bà Tới cũng tâm sự rằng, để lo cho con trong những năm đại học, bà cũng chưa biết phải xoay sở ra sao. Bởi, chồng bà là ông Nguyễn Văn Thông, năm nay đã 57 tuổi.
Hàng ngày, ông đi làm thuê cho các chủ tàu, thuyền nhưng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ được chừng 4-5 triệu đồng. Trong khi đó, con trai cả của bà là Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1991) lại bị bệnh động kinh, không làm được gì, nên bà phải chăm sóc cả 2 đứa con.
“Cháu Dương bị bệnh thần kinh, chỉ quanh quẩn ở nhà, không giúp được gì cho bố, mẹ cả. Cháu Thùy dù bị khuyết tật, nhưng vẫn có thể phụ giúp tôi nấu cơm, rửa bát, giặt đồ.... Còn anh trai thứ 2 của cháu, thì đang đi làm thuê ở tỉnh Bắc Giang. Mỗi tháng tiền lương, cũng chỉ đủ chi tiêu cá nhân thôi chứ chẳng giúp được bố mẹ điều gì. Khi cháu Thùy vào đại học, lại phải lo tiền học phí, chi tiêu hàng tháng trong mấy năm trời, tôi cũng chưa biết phải tính toán như thế nào cả", bà Tới bộc bạch.
Nữ sinh Nguyễn Thị Thùy và tấm bằng tốt nghiệp THPT. |
Những ngày chờ nhập học, nữ sinh Nguyễn Thị Thùy có vẻ lo lắng khá nhiều. Bởi, ngoài việc di chuyển khó khăn do đôi chân bị khuyết tật, thì kinh tế gia đình rất vất vả.
Thùy bảo rằng, em là học sinh vùng biển, ít được tiếp xúc với máy tính và ngành công nghệ thông tin, nên chắc chắn sẽ khá vất vả cho em. “Tuy nhiên, em nghĩ, đã đam mê, thì sẽ quyết tâm học tập thật tốt với khả năng của mình. Bên cạnh đó, môn tiếng Anh của em cũng đang rất hạn chế. Do không có máy tính xách tay, nên em sẽ tranh thủ lên mạng bằng điện thoại, tìm sách vở củng cố vốn ngoại ngữ cho mình”, Thùy tâm sự.
Để chuẩn bị cho con gái vào đại học, bà Tới dự định sẽ theo Thùy lên giảng đường hỗ trợ thời gian đầu. Sau khi con gái làm quen và tự lập ở môi trường mới, bà sẽ trở về làm thuê kiếm tiền chu cấp, đóng học phí cho con gái, đồng thời chăm sóc đứa con trai bị thần kinh ở nhà.
"Gia đình cháu Nguyễn Thị Thùy thuộc hộ khó khăn nhất trong thôn, nhiều năm trong diện nghèo hoặc cận nghèo. Dù cuộc sống của gia đình cháu Thùy rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng Thùy rất chăm ngoan, học giỏi. Đặc biệt, cháu Thùy rất có nghị lực, mặc dù bị tật nguyền từ nhỏ, nhưng không vì thế mà cháu bất mãn hay chán chường trong việc học hành. Hàng năm, chính quyền địa phương luôn dành cho cháu những suất quà và dịp lễ, tết hay kết thúc năm học, nhằm động viên tinh thần cũng như giúp cháu có nghị lực vươn lên trong cuộc sống”, ông Nguyễn Hải Năm – Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc chia sẻ.
Mọi sự hỗ trợ vui lòng liên hệ: Tòa soạn Báo GD&TĐ: Số 15 - Hai Bà Trưng - Q.Hoàn Kiếm - Hà Nội. Điện thoại: 024 3936 9800
Hoặc: Văn phòng đại diện thường trú báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ. Địa chỉ: Số 2, ngõ 5 đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Tên TK: Văn phòng đại diện thường trú báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ.
Số TK: 111601684999. Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Hà Tĩnh.
Hoặc: Nguyễn Thị Thùy, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Số ĐT:0856.983.039. Hoặc: 0846.168.789.