- Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Trong Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII đã tập trung vào cụm từ “phát triển con người” khi đề cập đến các vấn đề giáo dục và đào tạo. Thủ tướng có thể chia sẻ tầm quan trọng của nhân tố “phát triển con người” trong sứ mệnh phát triển, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới đã nhắn nhủ chúng ta: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược với giải pháp: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Với quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển, chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Giáo dục về các giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam: Nhân ái, nghĩa tình, trung thực, trong sáng, cầu thị, cần cù, sáng tạo, đoàn kết, lương thiện; hướng tới xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội hạnh phúc.
Thúc đẩy hệ sinh thái học tập suốt đời, đổi mới sáng tạo, học đi đôi với hành; khơi dậy và phát huy tinh thần ham học hỏi, sáng tạo, tích lũy tri thức nhân loại…, để trở thành công dân toàn cầu, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc sân tộc; đạo đức, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tính tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên. Phát triển con người toàn diện cả về chân - thiện - mĩ, kỹ năng sống, sức khỏe tinh thần, thể chất.
- Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo đã được khẳng định, ghi nhận trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đảng, Nhà nước cũng có nhiều chính sách quan tâm, chăm lo cho sự phát triển của đội ngũ. Nhưng đến thời điểm này, điều gì liên quan đến đội ngũ nhà giáo khiến Thủ tướng còn trăn trở và có giải pháp gì giải tỏa những trăn trở đó?
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Một trong những trăn trở nhất của tôi hiện nay là làm sao bảo đảm được số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và nhất là đời sống vật chất, tinh thần cho các thầy cô.
Đảng, Nhà nước ta đã, đang và sẽ có giải pháp tổng thể, bao trùm, toàn diện nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, những khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục để góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm số lượng và chăm lo mọi mặt đời sống của đội ngũ nhà giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.
- Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng!