Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng đối mặt với nhiều rào cản và bất ổn, việc nhiều doanh nghiệp tư nhân bắt đầu chuyển hướng...
Trong một thế giới đầy biến động, nơi các quy tắc thương mại liên tục được định hình lại và chủ nghĩa bảo hộ có dấu hiệu trỗi dậy từ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn thử lửa thực sự. Áp lực không chỉ đến từ những cơn gió ngược của kinh tế toàn cầu mà còn từ chính những rào cản nội tại.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân) đã chỉ rõ những khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân vẫn đang phải gánh chịu. Đó là một ‘ma trận’ các thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, rườm rà ở một số lĩnh vực, ngành nghề.
Đó là những chi phí không chính thức doanh nghiệp buộc phải chi trả để công việc được trôi chảy. Đó là sự thiếu minh bạch trong một số quy định, chính sách, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ và hoạch định chiến lược.
Đáng chú ý, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định “tinh thần cải cách mạnh mẽ từ Trung ương chưa thực sự lan tỏa và được thực thi một cách nghiêm túc, đồng bộ ở các cấp cơ sở”.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng đối mặt với nhiều rào cản và bất ổn, việc nhiều doanh nghiệp tư nhân bắt đầu chuyển hướng, quan tâm hơn đến việc khai thác tiềm năng của thị trường nội địa với quy mô gần 100 triệu dân là một xu hướng tất yếu và hợp lý.
Tại hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Thị trường trong nước cho biết, trước các động thái về chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp phải “quay về thị trường nội địa”, hiểu theo nghĩa là bán các lô hàng không xuất khẩu được. Ông Chinh cho rằng cách tiếp cận này là sai lệch.
“Ở đây, chúng ta cần tiếp cận theo hướng, khi thị trường xuất khẩu bị hạn chế bởi rào cản thương mại, thì phải tìm cách kích cầu để tạo ra nhu cầu mới ngay tại thị trường trong nước, có thể bằng những sản phẩm mới phù hợp hơn. Đây là việc doanh nghiệp chủ động tận dụng, chuyển đổi năng lực sản xuất để phục vụ thị trường nội địa”, Phó Cục trưởng Cục Thị trường trong nước chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phúc Sinh, việc chinh phục “sân nhà” cũng không hề dễ dàng và đòi hỏi một sự đầu tư bài bản cũng như những cơ chế hỗ trợ phù hợp. Với Nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế một cách thực chất và đồng bộ.
Không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm số lượng thủ tục, mà cần chuẩn hóa quy trình, hướng tới số hóa toàn diện các giao dịch hành chính, và đặc biệt là phải có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để loại bỏ triệt để các loại chi phí không chính thức, tạo dựng một môi trường kinh doanh thực sự minh bạch và công bằng.
Một trong những giải pháp được đại diện doanh nghiệp này đưa ra là việc xây dựng và vận hành sàn giao dịch hàng hóa hiện đại. Một sàn giao dịch hàng hóa đủ tầm quốc tế, được thiết lập và vận hành chuyên nghiệp ngay tại các trung tâm tài chính lớn của đất nước sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do biến động thuế quan, nâng cao vị thế và khả năng định giá cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường toàn cầu, đồng thời tạo ra một kênh huy động vốn và quản lý rủi ro hiệu quả cho doanh nghiệp.
Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp SME một cách thực chất và có mục tiêu rõ ràng. Các chương trình hỗ trợ cần tập trung vào việc giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh, bền vững (thực hành ESG), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ tài chính cần được thiết kế sao cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tránh các thủ tục rườm rà và phải đảm bảo nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa nội địa và truy xuất nguồn gốc: Để bảo vệ người tiêu dùng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính có cơ hội cạnh tranh lành mạnh, cần siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là đối với hàng nhập khẩu.
Việc xây dựng các hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch sẽ giúp người tiêu dùng có lựa chọn thông minh hơn và doanh nghiệp có uy tín khẳng định được vị thế của mình.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực thích ứng nói riêng và chủ động trong mọi tình huống nói chung. Thị trường luôn biến động, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình khả năng thích ứng nhanh, sẵn sàng đối mặt với thay đổi và chủ động tìm kiếm giải pháp thay vì bị động chờ đợi.