Dịp hè hằng năm, nhiều trường học phát động góp sách giáo khoa cũ tặng học sinh nghèo của trường và những địa bàn khó khăn.
Việc làm ý nghĩa này giúp các em biết giúp đỡ, chia sẻ, nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Năm học 2023 - 2024 vừa kết thúc, Nguyễn Văn Hải Phong - học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thủ Đức, TPHCM) cẩn thận soạn lại bộ sách giáo khoa lớp 2 của mình, cùng mẹ đến trường để quyên góp nhằm giúp đỡ những bạn khó khăn khóa sau.
Hải Phong chia sẻ: “Từ khi hiểu việc tặng sách cũ có ý nghĩa lớn, em và các bạn trong lớp đã ý thức hơn trong việc giữ gìn sách, không bôi bẩn, viết, vẽ bậy lên sách,… Em thấy vui khi được giúp đỡ các bạn. Bản thân cũng hình thành ý thức giữ gìn, tiết kiệm không chỉ trong việc sử dụng sách giáo khoa, đồ dùng học tập mà cả đồ dùng hằng ngày”.
Tương tự, ngay khi kết thúc học kỳ 2, Nguyễn Thị Kim Hằng - học sinh Trường THPT Trấn Biên (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã xếp lại bộ sách giáo khoa của mình mang đến trường gửi cho nhân viên thư viện để tặng học sinh sắp vào lớp 10. Ngày đến tặng sách, Hằng đăng ký với nhân viên thư viện của trường, nếu có bạn nào tặng lại sách giáo khoa cũ lớp 11 thì xin được nhận một bộ dùng cho năm học tới.
Nữ sinh chia sẻ: “Một bộ sách giáo khoa lớp 11 có giá hơn 150 nghìn đồng, chưa bao gồm sách: Tiếng Anh, Lịch sử địa phương, môn chuyên đề, bài tập, tham khảo. Nếu em xin được bộ sách cũ dùng lại cho năm học lớp 11 sẽ tiết kiệm cho cha mẹ khoảng 300 nghìn đồng. Được học lại sách cũ khiến em thêm trân trọng sự giúp đỡ của người khác”.
Ở góc độ nhà trường, cô Trần Thị Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, từ những năm mới thành lập, nhà trường đều phát động quyên góp sách cũ để tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn. Vào cuối năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch vận động quyên góp xen vào một số hoạt động của thư viện. “Riêng năm học vừa qua, nhà trường vận động được 100 bộ sách giáo khoa lớp 10 và 11”, cô Đức cho hay.
Thực tế, hoạt động quyên góp sách cũ tặng học sinh có nhu cầu, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn được nhiều trường học các tỉnh, thành trong cả nước phát động. Ông Võ Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai bày tỏ, năm học 2024 - 2025, Chương trình GDPT 2018 sẽ “phủ kín” hoàn chỉnh từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, đây lại là năm học đầu học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 được tiếp cận chương trình mới, do đó các em không thể dùng lại sách giáo khoa năm học trước, mà phải trang bị sách mới. Với học sinh những lớp còn lại, phụ huynh có thể tận dụng sách cũ cho con em dùng để tiết kiệm chi phí mua sắm đầu năm.
“Ngành Giáo dục luôn khuyến khích các nhà trường rà soát và huy động nguồn sách giáo khoa cũ từ học sinh để sắp xếp thành những bộ sách hoàn chỉnh, sau đó tặng lại những em có nhu cầu. Nếu làm tốt điều này sẽ tránh lãng phí nguồn sách cũ, tiết kiệm được hàng tỷ đồng mua sách mới cho phụ huynh mỗi năm. Việc tặng sách cũ còn là cách để giáo dục học sinh tinh thần sẻ chia và yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống”, ông Thạch chia sẻ.
Tại TPHCM, mỗi năm học, các cơ sở giáo dục đều có hướng dẫn về sử dụng sách giáo khoa nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng. Thầy cô luôn chú trọng hướng dẫn, giáo dục học sinh không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sử dụng lại. Hoạt động này nhằm xây dựng chương trình mang ý nghĩa xã hội và giáo dục cho học sinh về lòng nhân ái, biết quan tâm đến bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, quý trọng và giữ gìn sách vở.
Triển khai hiệu quả phong trào tiếp nhận sách giáo khoa cũ nhiều năm qua, cô Tống Thị Mai Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1, TPHCM) cho hay: Điều đáng mừng là phụ huynh, học sinh nhà trường thấy được ý nghĩa của việc làm này nên hoàn toàn ủng hộ. Kết thúc năm học, việc tặng sách giáo khoa cũ được các lớp và học sinh thực hiện tự nguyện. Nhiều em còn cẩn thận thay bọc sách giáo khoa cũ, dán nhãn mới… trước khi tặng nhà trường.
“Nhà trường luôn yêu cầu giáo viên nhắc nhở học sinh bảo quản sách giáo khoa để sau khi thi kết thúc học kỳ II sẽ gom góp, phân loại sách tặng lại học trò có nhu cầu. Đây cũng là hoạt động giáo dục ý thức tiết kiệm, biết trân quý sách vở và trên hết là bồi dưỡng học sinh biết yêu thương, chia sẻ khó khăn với các bạn, rộng hơn là với cộng đồng xã hội, thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách”, cô Hương chia sẻ.
Còn tại Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức, TPHCM), những năm qua, học sinh nhà trường luôn tích cực tham gia chương trình “Sách trao tay - Cầu nối yêu thương” do Sở GD&ĐT TPHCM phát động. Những cuốn sách giáo khoa cũ do học sinh gửi tặng được nhân viên thư viện soạn thành từng bộ và trao tặng cho những em khó khăn.
Cô Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, với gia đình khó khăn, sách giáo khoa có giá thành còn cao nên việc giữ gìn và tặng sách cho học sinh khóa sau sẽ tránh được lãng phí. Mỗi năm, từ sự đóng góp của học trò, nhà trường nhận được khoảng 100 bộ sách của các khối lớp.
“Quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa tặng bạn khó khăn là hành động thiết thực. Qua đó góp phần giáo dục các em biết tương trợ, giúp đỡ người khác. Đồng thời thể hiện tấm lòng yêu thương, chia sẻ của học sinh trong trường với những hoàn cảnh kém may mắn”, cô Hiếu bày tỏ.
Tháng 5 hằng năm, Sở GD&ĐT TPHCM phát động chương trình “Sách trao tay - Cầu nối yêu thương”. Đây là chương trình được học sinh của thành phố quan tâm và hưởng ứng vì giá trị nhân văn mang lại lợi ích cho cộng đồng rất lớn. Theo thống kê, dịp hè năm 2023, chương trình đã quyên góp được hơn 21.200 bộ sách giáo khoa dành tặng cho học sinh các khối lớp trong năm học 2023 - 2024.