Nghĩa tình nơi biên giới Đắk Mil

Bích Hạnh | 24/12/2022, 09:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An (BĐBP Đắk Nông) nhiều người dân đã có được điều kiện sống tốt hơn, trẻ em có tương lai rộng mở.

Ngôi nhà thứ hai của học trò dân tộc

3 năm nay Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An có thêm một thành viên đặc biệt là cậu con nuôi Y Dũng sinh năm 2011. Dù thêm phần bận rộn, vất vả nhưng những người lính ai nấy đều vui và hạnh phúc vì tiếng cười trẻ thơ.

Y Dũng là con một gia đình dân tộc M’Nông nghèo buôn Sar Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông). Gia đình em 6 người của Dũng chỉ trông chờ vào 200m2 đất ruộng trồng lúa nên khó trồng khó. Vì nghèo khó, chị gái của Y Dũng học đến lớp 9 phải bỏ dở, đi làm thuê cùng bố mẹ để trang trải cuộc sống và nuôi các em ăn học.

Những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An qua nắm bắt địa bàn đã biết được gia cảnh của gia Y Dũng đầy thương cảm đã tới nhà đề xuất với bố em là Y Keng và mẹ H’Ngôn xin nhận em làm con nuôi. Trước lời đề nghị của những người lính Biên phòng, bố mẹ Y Dũng vừa ngỡ ngàng, vừa hạnh phúc, bối rối đến nghẹn lời vì chưa bao giờ nghĩ con mình sẽ có được những điều kiện sống tốt hơn ở nhà.

Được sự chấp thuận của vợ chồng anh Y Keng, tháng 8/2019, những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An đón Y Dũng về đơn vị. Họ bố trí cho con nuôi ở cùng với cán bộ của tổ công tác địa bàn để tiện cho việc đến trường. Trong sự đùm bọc, quan tâm, hỗ trợ các điều kiện của những người lính, Dũng lớn nhanh, tự lập hơn, dần quen với cuộc sống của người lính. “Các chú rất yêu thương cháu. Ở đây cháu được ăn nhiều món ngon, lúc nào cũng no bụng. Các chú hay mua quần áo, đồ dùng học tập mới cho cháu…”, Dũng cho biết.

Kể về cậu con nuôi của đơn vị, Đại úy Tôn Đức Thái, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An chia sẻ: “Ban đầu Dũng rất bỡ ngỡ vì xa bố mẹ. Chúng tôi phải động viên, dỗ dành và chỉ dạy con từ những điều nhỏ nhất. Sau 3 năm ở đơn vị, con đã trưởng thành về mọi mặt, hòa nhập với cuộc sống, sinh hoạt, coi chúng tôi như người thân của mình. Đặc biệt, Dũng rất chăm chỉ, tự giác học tập. 3 năm vừa rồi con đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và giành nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, năng khiếu cấp trường, cấp huyện”.

Ngoài việc nhận nuôi Y Dũng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An còn đỡ đầu 2 cháu học sinh người M’Nông là H’Úc Ma Châu, Y Tiệp và 1 học sinh người Campuchia trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Sự hỗ trợ, giúp đỡ, động viên thường xuyên của người lính Biên phòng đã giúp gia đình 3 học sinh nói trên có thêm chỗ dựa, con cái được học hành đầy đủ.

Nghĩa tình nơi biên giới Đắk Mil ảnh 1

Cùng trò ôn bài.

Đồng hành cùng dân nghèo

Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An quản lý đoạn biên giới dài hơn 13km với 10 mốc quốc giới. Địa bàn đơn vị quản lý bao gồm xã biên giới Thuận An có gần 3.000 hộ dân với hơn 12.000 khẩu gồm 17 dân tộc cùng sinh sống.

Người dân trên địa bàn sinh hoạt theo 3 tôn giáo chính (Thiên chúa, Phật giáo và Tin lành). Một điểm nổi bật trong tình hình địa bàn của Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An là người dân 2 bon Sar Pa và Bu Đắk có đời sống rất khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Đó là điều khiến những người lính ở Thuận An trăn trở, luôn tìm cách tháo gỡ.

Mong muốn người dân trên địa bàn có cuộc sống tốt hơn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An thường xuyên phối hợp với ban, ngành, đơn vị, nhà tài trợ vận động kinh phí, lương thực, thực phẩm hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình chính sách.

Đại úy Tôn Đức Thái cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng vận động các nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động an sinh xã hội hướng về người nghèo khu vực biên giới. Trong đó, thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đơn vị đã phối hợp phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp hỗ trợ 3 hội viên thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng 2 nhà “Đại đoàn kết” cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại 2 bon Sar Pa và Bu Đắk. Đối với các em học sinh khó khăn trên địa bàn, chúng tôi phối hợp với các nhà tài trợ trao tặng học bổng, quần áo, cặp, sách vở và xe đạp...”.

Ngày nhận bàn giao ngôi nhà mới, gia đình bà H’Biếc, bon Sar Pa vô cùng xúc động. Trước đây, gia đình bà phải ở trong ngôi nhà dột nát, xiêu vẹo. Cuộc sống quá khó khăn, ăn còn chưa đủ nên bà H’Biếc không bao giờ dám nghĩ tới việc xây dựng ngôi nhà kiên cố.

Nhưng rồi, niềm vui đến với gia đình bà bất ngờ khi nhận được thông báo của Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà mới.

Chỉ sau một thời gian ngắn nhận thông báo, gia đình bà H’Biếc đã có nhà mới để ở. Chia sẻ niềm vui với những người lính Biên phòng, bà H’Biếc cho biết từ bây giờ không còn phải lo mưa dột nữa rồi. Ngày nắng, ngày mưa đều có thể ngủ ngon giấc. Gia đình bà sẽ luôn nhớ mãi sự giúp đỡ của các chú BĐBP.

Đại úy Tôn Đức Thái chia sẻ: “Ở đây chính quyền địa phương và nhân dân luôn gắn bó, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Hầu hết người dân có ý thức trách nhiệm cao trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chúng tôi luôn biết ơn người dân vì lẽ đó.

Những năm qua, đơn vị đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổ chức chương trình an sinh, hoạt động từ thiện hướng tới người dân như một sự tri ân người dân đã đùm bọc, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩa tình nơi biên giới Đắk Mil