Nghịch cảnh: Người dân mòn mỏi chờ, nhà ở xã hội vẫn... ''xa xỉ''

21/02/2023, 15:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, nhà ở xã hội cần quỹ đất để phát triển bên cạnh vốn vay ưu đãi. Các địa phương phải vào cuộc và cũng cần có chế tài với những địa phương chậm phát triển nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội cần quỹ đất sạch để phát triển.

Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật nhà ở (sửa đổi), Chính phủ cho biết sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Một số chính sách mới được đưa vào dự thảo gồm: Giao đất không thu tiền sử dụng đất, chủ đầu tư được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với chuyển quyền sử dụng đất; địa phương chịu trách nhiệm bố trí và đảm bảo quỹ đất.

Để có vốn phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới năm 2030, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng cấp cho ngân hàng thương mại theo hình thức tái cấp vốn. Chủ đầu tư được vay ưu đãi 50% của gói và số còn lại là người mua nhà vay.

4 ngân hàng quốc doanh cho biết, đã thống nhất sẵn sàng vào cuộc với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Cần quỹ đất sạch

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Công ty CP BIC Việt Nam cho rằng, bản thân doanh nghiệp đã làm 3 dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và đang gặp nhiều vướng mắc về giao đất khi làm dự án thứ 4. Theo đó, vốn tín dụng là rất cần thiết cho người mua nhà cũng như chủ đầu tư nhưng quan trọng vẫn là thủ tục đất đai thông thoáng để dự án sớm triển khai. Muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển nhà xã hội theo đề án 1 triệu căn, nhà nước cần có quỹ đất sạch cho chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng - cho PV Tiền Phong biết, bản chất nhà ở xã hội hiện nay thiếu do không có quỹ đất. Giai đoạn vừa rồi, nhà ở thương mại giá cao, lợi nhuận lớn nên chủ đầu tư chỉ phát triển phân khúc này. Bây giờ, thị trường bất động sản khó khăn, vốn tín dụng cũng thắt chặt nên nhiều chủ đầu tư bắt đầu quay lại với nhà xã hội. Đồng thời, sau khi Chính phủ có động thái gỡ khó cho nhà ở xã hội, nhất là về vốn vay ưu đãi, đây sẽ là phân khúc vực dậy thị trường các chủ đầu tư lựa chọn.

Theo ông Hà, dù có quy định về quỹ đất làm nhà ở xã hội nhưng nhiều địa phương không làm. “Hiện chưa có quy chế nào xử phạt, xử lý hay đưa trách nhiệm những địa phương nào không làm nhà ở xã hội. Cuối cùng người dân chịu thiệt khi không có nhà xã hội. Chúng ta phải có chế tài xử lý nghiêm với những trường hợp này. Cụ thể, mỗi địa phương, hàng năm khi cấp phép cho bao nhiêu căn hộ thương mại phải quy định rõ hoàn thành bao nhiêu căn hộ cho nhà ở xã hội. Phải làm được điều này, tín dụng mới có dự án giải ngân và người dân được hưởng lợi”, ông Hà nói.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/nghich-canh-nguoi-dan-mon-moi-cho-nha-o-xa-hoi-van-xa-xi-post1511536.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/nghich-canh-nguoi-dan-mon-moi-cho-nha-o-xa-hoi-van-xa-xi-post1511536.tpo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghịch cảnh: Người dân mòn mỏi chờ, nhà ở xã hội vẫn... ''xa xỉ''