Những năm gần đây, một số ngành khoa học cơ bản, đào tạo truyền thống ở nhiều trường dù “khát” nhân lực nhưng lại khó tuyển sinh.
Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, một số ngành khó tuyển sinh như Công nghệ chế biến thủy sản, Quản lý tài nguyên và môi trường. ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, cho biết đây là những ngành khó tuyển sinh trong nhiều năm qua dù nhu cầu nhân lực khá ổn định.
Tương tự, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng có 7 ngành/nhóm ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống rất khó tuyển sinh. Ở một số trường đại học, cao đẳng khác cũng có nhiều ngành khó tuyển sinh. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Văn hóa TPHCM, các ngành có nhu cầu nhân lực nhưng khó tuyển sinh như Bảo tàng học, Văn hóa dân tộc thiểu số.
Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), công tác tuyển sinh hằng năm gặp khó với các ngành như: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học, Ngôn ngữ Ý, Ngôn ngữ Tây Ban Nha và Ngôn ngữ Nga.
Tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, có 11 ngành phải dừng tuyển sinh từ năm 2022 và 2 ngành dừng tuyển sinh năm 2023. Trong các ngành này, Kết luận số 10/KL-Ttr ngày 8/3/2024 của Thanh tra Bộ GD&ĐT xác định, có ngành khi thực hiện mở ngành trường đã khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh số lượng thấp kể từ khi mở ngành.
Ở một số trường ngoài công lập, nhiều ngành khó tuyển sinh dẫn đến phải đóng cửa ngành. Chẳng hạn, Trường Đại học Hoa Sen không tổ chức tuyển sinh, hoặc không tuyển sinh được 6 ngành học gồm: Quản lý tài nguyên môi trường, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Công nghệ thực phẩm, Quản trị văn phòng, Hoa Kỳ học, Bảo hiểm từ năm 2021 - 2022; ngành Nhật Bản học từ năm học 2022 - 2023 và tạm dừng tuyển sinh 4 ngành học như Luật quốc tế, Bất động sản, Hệ thống thông tin quản lý, Phim.
Tương tự, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT dừng tuyển sinh 7 ngành học gồm: Giáo dục thể chất, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học. Trong các ngành này, Kết luận số 08/KL-Ttr ngày 8/3/2024 của Thanh tra Bộ GD&ĐT xác định, có ngành khi thực hiện mở ngành trường đã khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh số lượng rất thấp từ khi mở ngành.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: Lê Nam |
Thực tế, có không ít ngành đào tạo dù nhu cầu xã hội cần nhưng các trường vẫn thiếu nguồn tuyển. Để thu hút người học, nhiều trường đã đề ra các chính sách hấp dẫn.
ThS Phùng Quán - chuyên gia tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, năm nay nhà trường tiếp tục duy trì gói học bổng hơn 2 tỷ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần (100% hoặc 50% học phí năm học đầu tiên) dành cho các thí sinh trúng tuyển năm 2024 với thành tích cao vào 7 ngành/nhóm ngành khó tuyển.
Cụ thể, các ngành/nhóm ngành gồm: Vật lý học, Công nghệ vật lý điện tử và tin học; Hải dương học; Kỹ thuật hạt nhân; Địa chất học; Kỹ thuật địa chất; Khoa học môi trường; Công nghệ kỹ thuật môi trường.
“Đây là những ngành, nhóm ngành hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực phục vụ một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030”, ông Quán nói và thông tin: Những ngành học trên có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ít nên tỷ lệ cạnh tranh thấp, nhưng lĩnh vực làm việc khá rộng và đáp ứng được nhiều nhu cầu xã hội.
“Trong nhiều năm qua, sinh viên tốt nghiệp những ngành này có cơ hội nhận học bổng sau đại học tại các quốc gia phát triển trên thế giới, ngoài ra có thể tham gia thị trường lao động đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao tại các khu vực làm việc như: Cơ sở nghiên cứu về môi trường, hải dương, khí tượng thủy văn; các sở Tài nguyên và Môi trường, sở Khoa học và Công nghệ tại các địa phương…”, ông Quán nói thêm.
Ngoài những chính sách trên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên còn kết nối với doanh nghiệp và cộng đồng cựu sinh viên để hỗ trợ học bổng khuyến học dành cho các sinh viên tài năng, có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời giới thiệu chỗ thực tập và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tại trường.
Trong khi đó, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, trường cũng có chính sách học bổng như giảm 50% học phí học kỳ đầu cho các ngành khó tuyển, nếu sinh viên tiếp tục giữ được kết quả học tập tốt thì trường xem xét giảm tiếp học phí các học kỳ sau đó nhưng thí sinh không mấy chú ý.
“Điểm đầu vào các ngành Công nghệ chế biến thủy sản, Quản lý tài nguyên và môi trường rất thấp, chỉ 16 điểm với kết quả thi tốt nghiệp THPT và 20 điểm theo phương thức xét học bạ nhưng nguồn tuyển khá ít. Mỗi năm trường chỉ tuyển được khoảng 1 lớp/ngành với vài chục em”, ông Sơn thông tin.
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) đánh giá, thí sinh thời nay tiếp cận thông tin và “bắt trend” rất nhanh, do đó, các em thường có xu hướng ưu tiên lựa chọn những ngành đang thu hút, có nhu cầu nhân lực cao, phù hợp xu hướng phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, một số ngành dù có nhu cầu nhân lực ổn định hoặc cao qua các năm, nhưng lại không được thí sinh quan tâm nhiều, chẳng hạn như Công nghệ sinh học, Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ thực phẩm...
“Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh đối với những ngành này, các trường đại học cần đầu tư cho công tác tư vấn hướng nghiệp nhiều hơn - để học sinh có thể hiểu rõ yêu cầu ngành học cũng như cơ hội nghề nghiệp, tố chất của bản thân trước thế giới ngành nghề.
Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), các trường có thể đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để tăng cường các chương trình học bổng, ưu đãi học phí, ưu tiên tuyển dụng dành cho sinh viên theo học các ngành này. Từ đó, tạo động lực cho thí sinh, giúp doanh nghiệp thực hiện chính sách thu hút nhân tài ngay từ đầu.