Hiện nhiều địa phương đang rốt ráo tuyển dụng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học cho năm học mới. Tuy nhiên, không ít địa phương đang khó khăn do thiếu nguồn tuyển, có bộ môn “trắng” hồ sơ đăng ký. Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết, vừa qua tỉnh đã tổ chức tuyển dụng được hơn 500 giáo viên nhưng không có giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Thời điểm hiện tại toàn tỉnh chưa có giáo viên chuyên trách 2 bộ môn này.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới, ông Trần Văn Thức nhấn mạnh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa phối hợp với ngành Nội vụ hướng dẫn các địa phương tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao, ưu tiên tuyển trước số giáo viên ở các bộ môn còn thiếu nhiều. Trong trường hợp chưa kịp tuyển giáo viên, các địa phương sẽ hợp đồng với sinh viên mới ra trường và giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề. Ngoài ra, tỉnh bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp và dạy số tiết tăng.
Đề xuất một số giải pháp cho năm học mới, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã nhấn mạnh việc triển khai xây dựng Luật Nhà giáo; sửa đổi thông tư về vị trí việc làm và định mức giáo viên. Bộ GD&ĐT khuyến nghị các địa phương xây dựng, thực hiện đề án phát triển đội ngũ giáo viên; đồng thời rà soát, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục.
Mặt khác, các địa phương cần phối hợp tổ chức tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được phân bổ. Cùng đó, xây dựng chính sách địa phương để thu hút, tạo nguồn, giữ chân giáo viên. Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế “đặt hàng” đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP…
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” với Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, tại Điều 11 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh như sau: Hằng năm, căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng;
Hiện nay, việc tuyển dụng viên chức giáo viên thực hiện theo quy định của Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm viên chức giáo viên.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong quá trình thực hiện các Nghị định này. Mặt khác, nếu cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo thì sẽ cụ thể hóa vấn đề này trong quá trình xây dựng.
Tháng 7/2022, Bộ Chính trị giao bổ sung gần 66 nghìn biên chế cho ngành Giáo dục; riêng năm học 2022 - 2023 là hơn 27 nghìn giáo viên. Song, theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17 nghìn giáo viên công lập. Vẫn còn trên 74 nghìn chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được; trong đó giáo viên mầm non là trên 24 nghìn; tiểu học hơn 28 nghìn; THCS hơn 15 nghìn và THPT hơn 5.500 người.