Từ truyền thống nghìn năm lấy việc may mặc làm nghề kiếm kế sinh nhai nên nghề may ở Trạch Xá được xem là nghề cha truyền con nối. Những kinh nghiệm, kỹ năng trong nghề cứ thế được các thế hệ tích cóp truyền đạt cho nhau.
Có giai thoại kể rằng, khoảng những năm 1930, thợ may Trạch Xá là cụ Tạ Văn Khuất được vời vào kinh đô Huế để may đo áo dài cho Hoàng hậu Nam Phương.
Cụ Khuất mang theo thước, kéo và một số vật dụng may đo, nhưng khi đối diện trước Hoàng hậu quyền quý thì cụ mới ngộ ra cái đẹp đâu có thể dùng thước là đo được. Thế là cụ đứng đằng xa, ước lượng bằng mắt và bằng cảm nhận của một thọ đã quá quen với may mặc.
Mấy hôm sau triều đình tổ chức đón khách, khi Nam Phương Hoàng hậu bước ra với tà áo dài thì ai nấy đều trầm trồ trước mẫu áo thướt tha mà vừa khít với đường vai mềm mại của Hoàng hậu. Sau khi cụ Khuất xin cáo lui về làng thì mọi người mới sực nhớ đến người thợ may tài hoa. Vua Bảo Đại vội thảo thư khen và gửi quà về làng Trạch Xá để tỏ lòng cảm ơn.
Trong suốt thời kỳ hình thành phố nghề Thăng Long, người Trạch Xá cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa nghề may và tà áo dài thêm vào sự thanh lịch của người Hà Nội. Những mẫu áo như Lemur, Lê Phổ, Raglan… được người Trạch Xá nhập cuộc theo mẫu thiết kế riêng tạo ra xu hướng thời trang đương thời.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ với đại diện các CLB văn hóa áo dài về cách lấy tơ sen. |
Ông Nghiêm Văn Đạt, Chủ nhiệm HTX may làng nghề Trạch Xá nói rằng: “Có thể áo dài Trạch Xá được người đời ví “may như dán hồ”, đường chỉ nổi “đều như trứng rận” và “mười mũi kim như chín”, nhưng không vì thế mà người thợ mãn nguyện. Mỗi ngày chúng tôi đều miệt mài rèn luyện, trau dồi tay nghề để đem lại cho đời những chiếc áo dài tinh xảo, hoàn mỹ hơn nữa”.
Chính sự nghiêm cẩn của người làm nghề ở Trạch Xá đã củng cố thêm nền tảng truyền thống mà hơn nghìn năm trước bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã tạo lập.
Để giờ đây không chỉ được biết đến là “cái nôi” nghề may, tự hào với tà áo dài truyền thống, mà Trạch Xá ngày càng được biết tới với danh xưng “quê thầy, đất thợ” khi nhiều người trong làng trở thành những người thầy, giảng viên đứng lớp tại các khoa ngành đào tạo thời trang.
“Ngày 12 tháng Chạp hàng năm giỗ Tổ nghề, cũng là ngày để những người làm nghề may mặc, thời trang thể hiện lòng thành kính biết ơn, trau dồi thêm tình yêu và tâm huyết để gìn giữ phát triển nghề. Năm nay ngoài dâng hương giỗ Tổ, chúng tôi còn có dịp thăm xưởng của nghệ nhân dệt tơ sen Phan Thị Thuận để hiểu thêm những nét văn hóa truyền thống hiếm có của cha ông” - Nhà thiết kế Đức Minh Anh.