Các chuyên gia tư vấn có thể di thực cây đào ở miền núi Tây Bắc về trồng ở huyện Lạc Dương bởi những nơi này đều có khí hậu ôn đới. Độ cao trung bình một số vùng ở Tây Bắc khoảng 1.100m, trong khi Lạc Dương khoảng1.400m, chênh lệch không lớn; mặt khác, đất đai ở Lạc Dương cũng thích hợp cho việc trồng đào.
Việc vận chuyển đào cổ thụ khá phức tạp bởi đường sá hiểm trở, xa xôi, cây cồng kềnh. “Chi phí vận chuyển 1 cây đào lão từ Tây Bắc vào Lạc Dương lên đến vài triệu đồng”, ông Quốc Anh chia sẻ. Đồng thời, các chủ nhân vườn đào ở Lạc Dương còn thuê một số người trồng đào chuyên nghiệp từ làng hoa Nhật Tân vào Lạc Dương để chăm sóc cây, ghép thêm nhiều chồi cho cây sai hoa và nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán.
Giống đào ghép này có nguồn gốc là đào rừng, hoa 5 cánh đơn, được người dân miền núi Tây Bắc mang về nhà trồng, chăm bón nên có sức sống mãnh liệt. Khi ghép mầm đào Nhật Tân vào, đào Tây Bắc sẽ cho hoa cánh kép, sai hoa và màu sắc thắm hơn.
Theo các chủ nhân khu vườn ở Lạc Dương, khoảng 500 cây đào lão sẽ được trồng hai bên con đường dài tới 1km trong khu vườn sinh thái rộng hàng chục héc ta. Các nhánh cây đan vào nhau tạo thành mái che bằng hoa cho du khách đi dạo bên dưới. Khi hòa mình vào khoảng không gian ấy, có cảm giác như đang ở nước Nhật xinh đẹp.
Hiện vườn đào cổ ở Lạc Dương đang ngập tràn sắc xuân, bạt ngàn sắc hồng lung linh trong nắng khiến người thưởng ngoạn say lòng. Vì các cây đào lão này cao từ 2-4m nên ông Quốc Anh cho thiết kế cây cầu khá dài và cao hơn 1m để người thưởng ngoạn thuận tiện ngắm hoa và chụp ảnh lưu niệm.