Ngôi làng hiếu học bên dòng sông Ayun

Dung nguyễn | 10/07/2022, 15:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Làng R’bai (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có gần 90% là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trẻ em ở đây luôn quan tâm đến việc học. Chính vì vậy, ngôi làng nổi tiếng gần xa bởi hiếu học.

Bà Nguyễn Thị Khá - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Piar - cho hay, làng R’bai nổi tiếng với truyền thống hiếu học với khoảng 100 người học đại học, cao đẳng và trung cấp. Không những vậy, học sinh đến lớp ở các trường tiểu học, THCS đều đúng độ tuổi và được phổ cập 99%.

Từ những năm 1993, sau khi tốt nghiệp THPT, ông Rmah Dmeo (51 tuổi) đi làm cán bộ giao thông thủy lợi ở xã Ia Piar. Với đồng lương chỉ vỏn vẹn 30.000 đồng/tháng nhưng ông không nản lòng mà đi xin làm thêm nhiều nơi, mua đất canh tác để có tiền cho con cái ăn học.

Hiểu được khó khăn, vất vả của cha mẹ nên 3 người con của ông đều chăm chỉ học tập. Đến nay, người con gái cả của ông đã tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm, con gái thứ tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải và đang làm việc tại Đồng Nai. Riêng người con út đang là sinh viên Y khoa, Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk).

“Để có tiền lo cho chúng em đi học, cha mẹ đã phải tần tảo sớm hôm. Có món ngon hoặc những gì tốt đẹp nhất cha mẹ đều nhường cho các con. Trước kia, thương cha mẹ vất vả, mỗi lần đến kỳ đóng học phí em lại có ý định nghỉ học vì nhà quá nghèo. Nhưng khi đó, cha mẹ động viên em cố gắng học để sau này đỡ khổ.

Sau này, khi tốt nghiệp ra trường, em mong rằng sẽ được làm việc tại làng để phát triển quê hương. Đồng thời động viên, khích lệ các em nhỏ cố gắng học tập, vươn lên trong cuộc sống.

Đặc biệt, em muốn ở gần để chăm sóc cho cha mẹ, người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục để em có được ngày hôm nay”, chị Rô Kim, con út ông Rmah Dmeo, tâm sự.

Nhà bà Siu H’Ngôn cũng là một trong những gia đình hiếu học của làng. Các con của bà hiện cũng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Gia Lai. Con gái lớn của bà là chị Siu Hương, công tác tại Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Con gái thứ hai là chị Siu Cúc Cu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Piar. Những người con còn lại cũng đã có công ăn việc làm ổn định như giáo viên, kế toán.

Ông Siu Thiên - Chủ tịch UBND xã Ia Piar - cho biết, làng R’bai có 437 hộ với 2.100 nhân khẩu. Trong đó 88% là người đồng bào dân tộc Jrai. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn khi thu nhập chính chủ yếu là làm ruộng, nương rẫy.

Theo ông Siu Thiên, để thoát cảnh nghèo đói, lạc hậu người dân trong làng quyết tâm chắt chiu tiền bạc lo cho con cái học chữ. Đến nay, làng R’bai có hơn 10 người đang làm việc tại UBND xã Ia Piar.

Trong đó, có nhiều người giữ các vị trí quan trọng như Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Bí thư Đảng ủy… Các cán bộ xuất thân từ làng R’bai làm việc trong UBND xã Ia Piar đều có trình độ đại học, cao đẳng nên khi có công việc được giao thì họ luôn làm tốt và hiệu quả.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ngoi-lang-hieu-hoc-ben-dong-song-ayun-post598509.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ngoi-lang-hieu-hoc-ben-dong-song-ayun-post598509.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngôi làng hiếu học bên dòng sông Ayun