Ngổn ngang nỗi lo dạy học tích hợp

Quốc Ngữ - Minh Anh | 09/10/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dạy học tích hợp, từ thực tế cho thấy vẫn còn những khó khăn về đội ngũ, chuyên môn cũng như kiểm tra đánh giá.

Theo chia sẻ của cán bộ, giáo viên, những khó khăn này cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Lúng túng

Dạy học tích hợp giúp học sinh giảm tải, phát triển khả năng tổng hợp kiến thức, kỹ năng... ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức hợp trong học tập và cuộc sống; phát triển được kỹ năng cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả ban đầu đáng ghi nhận, thực tế vẫn còn ngổn ngang khó khăn liên quan đến đội ngũ. Đó là việc lúng túng trong quá trình triển khai do thời gian bồi dưỡng ngắn; kiến thức chuyên sâu những môn trái ngành đào tạo chưa được vững vàng nên thầy cô không tự tin với mạch dạy học…

Theo chia sẻ của các giáo viên, một trong những khó khăn chính là lượng kiến thức để đảm bảo dạy học tích hợp. Phần lớn giáo viên trước đây được trường sư phạm đào tạo đơn môn. Mặc dù được bồi dưỡng, tập huấn để dạy tích hợp nhưng vẫn chưa bảo đảm về lượng kiến thức mới. Minh chứng cho việc trên là tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, chia sẻ thực tế ghi nhận từ cơ sở: Nhiều giáo viên dạy môn tích hợp ở bậc THCS thường trong tình trạng mong học sinh đừng đặt câu hỏi quá hóc búa.

Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, năm học 2022 - 2023, sở thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn do thiếu biên chế giáo viên. Tuy nhiên, hiện tại vẫn áp dụng một số biện pháp tình thế để gỡ khó. Trước mắt, các đơn vị, trường học phân công giáo viên dạy tăng tiết, vượt giờ và có chi trả thêm cho giáo viên đúng quy định. Tuy nhiên, giải pháp này không thể kéo dài bởi sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Hiệu trưởng một trường học tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết, khó khăn hiện nay là giáo viên dạy các môn mới của chương trình mới, đặc biệt là giáo viên dạy tích hợp, liên môn. Trước mắt, nhà trường bố trí các giáo viên đơn môn dạy chung một môn tích hợp khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, tổ chức dạy phân môn chỉ mới tích hợp được về kiến thức chứ chưa tích hợp được phương pháp hay tổ chức giờ học. Vì thế cần có đội ngũ dạy liên môn để bảo đảm tính hệ thống của môn học.

Ngổn ngang nỗi lo dạy học tích hợp ảnh 1

Một trong những khó khăn chính là lượng kiến thức để giáo viên bảo đảm dạy học tích hợp.

Cần đào tạo, bồi dưỡng

Chia sẻ về những khó khăn trong việc giảng dạy liên môn, cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết: Do phải phân công 2 (hoặc nhiều giáo viên) để dạy một môn (như 2 giáo viên cho phân môn Lịch sử và 1 giáo viên cho phân môn Địa lý) nên đòi hỏi lãnh đạo nhà trường phải có sự sắp xếp, phân công và bố trí thời khóa biểu hợp lý. Việc này mất nhiều thời gian, nhất là khi phải thay đổi thời khóa biểu (điều này phải thực hiện nhiều lần trong năm học)…

Còn theo thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), khó khăn lớn nhất trong việc triển khai dạy liên môn hiện nay là tư tưởng của một số giáo viên chỉ quen với nội dung, kiến thức và phương pháp dạy đơn môn. Do đó chưa tự tin trong giảng dạy liên môn, việc tự bồi dưỡng kiến thức những môn tích hợp chưa được giáo viên chủ động.

Tuy nhiên, theo thầy Lộc, nhờ triển khai mô hình “Trường điển hình đổi mới”, trong đó quy định các môn học đối với mô hình này đã có bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý. Qua 5 năm triển khai, đến nay, giáo viên quen dần và thực hiện khá tốt việc giảng dạy các bộ môn tích hợp liên môn.

Ngoài ra, dạy chương trình mới ở lớp 6 - 7, nhà trường yêu cầu giáo viên (ưu tiên giáo viên dạy lớp 6, 7) tham gia đầy đủ các buổi tập huấn đại trà theo chương trình của Bộ GD&ĐT về các mô-đun. Đồng thời, chủ động mời giảng viên có kinh nghiệm và cán bộ phụ trách bộ môn của sở GD&ĐT để tập huấn cho đội ngũ về chuyên môn, nghiệp vụ. “Đặc biệt, là tập huấn cho giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý chưa được đào tạo môn học từ trường sư phạm, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”, thầy Lộc chia sẻ.

Theo thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh), dạy học tích hợp thời gian đầu còn một số khó khăn vì đại đa số giáo viên hiện nay đều xuất thân từ dạy đơn môn. Từ thực tế cho thấy, công tác bồi dưỡng tập huấn các mô-đun chỉ diễn ra trong vài tuần là chưa đủ để nhà giáo chuyển từ dạy học đơn môn sang tích hợp. “Như vậy, nhiệm vụ đầu tiên là khẩn trương đào tạo bồi dưỡng để đội ngũ dạy học đơn môn hiện nay nhanh chóng chuyển đổi để dạy học tích hợp”, thầy Sa Quên cho biết.

Hiện, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 - 7 ở Đà Nẵng vẫn chưa được bồi dưỡng dạy học tích hợp, liên môn. Cán bộ quản lý và giáo viên đều mong sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng giáo viên. Các trường rất lúng túng khi nhận được công văn thông báo mở lớp bồi dưỡng của Trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố vì không đủ căn cứ để hỗ trợ học phí cho giáo viên. Chưa kể là việc bồi dưỡng phải được tiến hành trong hè chứ vào năm học là quá chậm trễ để giúp giáo viên bắt nhịp với chương trình mới.

Bài liên quan
Dạy học tích hợp 'vào guồng'
Sau 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 ở THCS, việc dạy học tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã đi vào nền nếp.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngổn ngang nỗi lo dạy học tích hợp