Quay trở lại câu chuyện của vị giám đốc ngân hàng, chính ông cũng đã thừa nhận: Việc giáo dục ôm đồm và áp kỳ vọng lên người 3 đứa trẻ của gia đình ông đã biến 3 người con của ông trở thành những đứa trẻ kém may mắn. Ông lấy tiêu chuẩn về sự thành đạt của xã hội để áp lên người chúng và buộc chúng phải phấn đấu cật lực. Kết quả là, cho tới hiện tại, 3 người con của ông vẫn quẩn quanh trong mớ bòng bong giữa kỳ vọng của những người xung quanh thay vì hiểu rõ bản thân cần gì.
Có những người học piano từ năm 3 tuổi, mỗi ngày luyện tập ít nhất 2 tiếng đồng hồ, suốt hơn 10 năm kiên trì, nhưng cũng không đạt được thành tựu ra sao.
Cây đàn piano chỉ là công cụ để họ kiếm sống, phần thưởng thu được hoàn toàn không tương xứng với thời gian và tiền bạc họ bỏ ra cho nó.
Hai ngày trước, tôi nói chuyện với một người bạn về một cô gái mà cô ấy quen, cô ấy tốt nghiệp cử nhân chương trình đào tạo chất lượng cao, sở hữu bằng thạc sĩ văn học của một trường danh tiếng ở Anh, sau khi về nước, cô ấy đi làm công việc biên tập viên, hiện đang làm nhân viên điều hành tại một địa điểm thu hút khách du lịch, cô ấy còn đảm nhiệm việc chèo thuyền và đổ rác khi vào mùa đông khách.
Hãy nói về một thực tế phũ phàng: rất nhiều những đứa trẻ được ba mẹ chi cho hàng tỷ đồng để đi du học, về nước, kiếm được công việc với mức lương tháng hàng chục triệu đã là không tồi rồi.
Có người sẽ nói rằng: học nghệ thuật và đi du học là để ra ngoài nhìn thế giới, để mở rộng tầm nhìn chứ không phải để kiếm tiền.
Không có gì là sai cả. Chỉ cần cả ba mẹ và con cái đều có những quan điểm đúng đắn, biết đủ, bỏ tiền ra cho con nhưng mục đích chỉ đơn giản là muốn con được vui vẻ thay vì trở thành ông nọ bà kia.
Tôi thường xuyên đưa con đi tham gia vào các hoạt động ở nông thôn, luôn muốn con tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên, tất cả những gì tôi muốn là con được vui vẻ.
Đừng coi giáo dục như một khoản đầu tư, hãy coi nó như sự tận hưởng. Bạn sẽ không mua những chiếc váy mà mình thấy không đẹp, vậy thì cũng đừng đăng kí những lớp học mà con không thích, giáo dục cũng giống như các tiêu dùng khác, tiền tiêu đi rồi chưa chắc đã nhận lại được thành quả.
Nếu thu nhập của bạn chỉ ở tầm trung, và bạn phải vét hết tiền tiết kiệm để cho con đi học trường quốc tế hay nước ngoài, nhận được nền giáo dục tốt nhất, chỉ để nở mày nở mặt hay đổi vận, vậy thì tôi khuyên bạn nên dừng lại. Cuộc sống mà con bạn đang tận hưởng bây giờ có thể là đỉnh cao của cuộc đời chúng.
Bất cứ khi nào xung quanh có bạn bè lo lắng về chuyện học hành của con cái, tôi đều khuyên họ nên bình tĩnh và cởi mở hơn.
Chỉ cần đứa trẻ lớn lên trong môi trường được yêu thương nhưng không nuông chiều, không có thói hư tật xấu, cảm xúc ổn định, nội tâm điềm tĩnh, vậy thì dù lựa chọn cuộc sống ra sao, cuộc đời của chúng cũng sẽ không đến nỗi quá tệ.