Cùng với đó, HoREA cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung về phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất”. HoREA nhấn mạnh khó khăn hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tâm lý “sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý” nên sẽ “không ai dám” quyết định hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất nhằm định giá đất và tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án có sử dụng đất, không phân biệt thửa đất, khu đất có giá đất theo bảng giá. Đặc biệt là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị quy mô lớn. Hiệp hội nhận thấy, chỉ có thể thực hiện phương án này khi đã có sự thống nhất cao và quyết tâm hành động của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Sớm hoàn thiện, đồng bộ chính sách về đất đai
Theo ông Lê Hoàng Châu - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay hàng nghìn dự án, đặc biệt là những dự án quy mô lớn trên 90 tỷ đồng đang bị ách tắc vì các địa phương không dám định giá đất khiến doanh nghiệp không thể triển khai. “Hiện có đến 80% các dự án được định giá theo phương pháp thặng dư nhưng do việc áp dụng các đối tượng, cách tính của phương pháp này có nhiều vấn đề cần sửa đổi, điều chỉnh, dẫn tới việc địa phương vẫn chờ”, ông Châu cho biết.
Khi hàng nghìn dự án “treo” lơ lửng chờ chính sách, thì không chỉ doanh nghiệp chịu thiệt hại mà kinh tế địa phương cũng ảnh hưởng, do việc thu hút đầu tư không đạt kì vọng. Theo ông Châu, cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ của Dự thảo Nghị định 44, nhanh chóng sửa đổi những quy định bất hợp lý để khơi thông định giá đất. Hiện Nghị định 44 có 2 thông tư liên tịch của Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên Môi trường, nếu chỉ sửa Nghị định 44 mà không sửa các thông tư thì vẫn khó triển khai trong thực tiễn. “Các địa phương đang vô cùng mong mỏi bởi không làm thì ách tắc mà làm thì sợ sai”, ông Châu khẳng định.
Hiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định về phương pháp định giá đất. Sáng 30/8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật bổ sung phương pháp thặng dư là một trong những phương pháp xác định giá đất và bổ sung tương ứng quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng.
Tuy nhiên, theo ông Thanh điều kiện áp dụng phương pháp này đã có sự thu hẹp so với quy định của pháp luật hiện hành. Các nội dung này đồng thời đang được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 44 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, việc quy định tại luật về các phương pháp xác định giá đất theo các nội dung này không phải là việc luật hóa các quy định của văn bản dưới luật đã được thực hiện ổn định trong thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng các phương pháp xác định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng. Thuyết minh đầy đủ, làm rõ nội hàm, nghiên cứu nội dung để quy định tại luật bảo đảm tính ổn định và tính khả thi của quy định, thể chế hóa theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả về quản lý, sử dụng đất - ông Thanh nhấn mạnh.
Trước đó, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai sửa đổi tổ chức ngày 25/8/2023, đa số các đại biểu cũng cho rằng, dự án Luật cần quy định rõ và thống nhất các phương pháp định giá đất cụ thể, tránh cách hiểu, cách áp dụng khác nhau, tạo ra các nguyên nhân gây tranh chấp, khiếu kiện.
Trong khi Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014 vẫn đang được lấy ý kiến rộng rãi thì hiện nay Dự thảo Nghị định 44 về Định giá đất đang được người dân, Chính quyền các địa phương mong ngóng sớm được ban hành để làm cơ sở định giá đất, gỡ nút thắt cho hàng nghìn dự án lớn nhỏ ách tắc nhiều năm nay do chưa chốt được phương pháp định giá đất phù hợp.
Nhìn nhận ở góc độ Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục Trưởng Cục Quản Lý Nhà Và Thị Trường Bất Động Sản, Bộ Xây Dựng cho rằng: “Một trong những vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là quy định giá đất. Chúng ta phải thoát được khâu định giá đất để tháo gỡ pháp lý. Hiện có rất nhiều dự án không triển khai được là do tắc ở khâu định giá đất, dẫn đến dự án chưa thể tính được nghĩa vụ tài chính, không thể giao đất được. Từ đó làm chậm nhiều quy trình ở phía sau. Chính vì vậy, cần hết sức khẩn trương tháo gỡ câu chuyện định giá đất”
Đồng quan điểm với ông Khởi, các chuyên gia bày tỏ mong muốn dự thảo Luật Đất đai cũng mở rộng phạm vi, điều kiện áp dụng phương pháp thặng dự trong định giá đất từ những ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị Định 44, tránh trường hợp Nghị Định mở rộng như Luật vẫn bó hẹp, sẽ tiếp tục gây ách tắc và sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật…