“Mình quen cầm cuốc lên nương nên việc cầm bút viết khó lắm. Mấy ngày đầu chữ viết chẳng ngay hàng, thẳng lối mà nguệch ngoạc. Giờ đây chữ viết mình đẹp hơn nhiều, đọc cũng thành thạo rồi”, bà H’Chunh nói.
Nét chữ nguệch ngoạc của những người phụ nữ lần đầu cầm bút. |
Theo Sở GD&ĐT Gia Lai, số người mù chữ độ tuổi từ 15-60 tuổi trên địa bàn tỉnh là 67.776 /1.049.164 người, tỷ lệ 6,46%. Trong đó, người đồng bào DTTS mù chữ là 50.964/454.888 chiếm tỷ lệ 11,2%.
Trong năm 2022, tỉnh Gia Lai đạt chuẩn XMC mức độ 1. Cụ thể, số đơn vị cấp xã đạt chuẩn XMC là 52, trong đó mức độ 1: 10/220 xã chiếm tỷ lệ 4,54%. Còn mức độ 2: 210/220 xã, chiếm tỷ lệ 95,46% (tăng 8 đơn vị cấp xã). Bên cạnh đó, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn XMC mức độ 1: 2/17 huyện chiếm tỷ lệ 11,76% và mức độ 2: 15/17 huyện chiếm tỷ lệ 88,24% (tăng 1 đơn vị cấp huyện so với năm 2021).
Theo Sở GD&ĐT Gia Lai, hiện tại các điều kiện để tổ chức lớp XMC cơ bản đầy đủ, từ chương trình, tài liệu, nhân sự, cơ sở vật chất đến tài chính. Sở GD&ĐT đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn; kinh phí thực hiện cũng đã được giao về các địa phương để triển khai mở lớp XMC đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Công tác XMC đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển đất nước. Tuy nhiên, để công tác này được duy trì và đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường, đặc biệt là người học.
Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 về “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình MTQG 1719” tỉnh Gia Lai đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 7 trường PTDTNT, trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú với nguồn vốn năm 2022.
Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 22 trường PTDTNT, trường PTDTBT giai đoạn 2023 - 2025 với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh đã mở hàng trăm lớp xóa mù chữ tại các thôn, làng đồng bào DTTS từng bước thu hẹp khoảng cách về dân trí giữa các vùng, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.