Đề xuất chính sách khuyến khích sinh con
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM năm 2022, tổng tỉ suất sinh của TP.HCM là 1,39 con/phụ nữ. Đây là mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước hiện nay là 2,1 con. TP.HCM đang bước sang giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh hơn so với cả nước, số người cao tuổi đang chiếm hơn 11% trong khi những năm trước chưa đến 10%.
Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, người dân TP hiện nay đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ đang phải đối mặt với áp lực kinh tế, công việc rất lớn dẫn đến ngại sinh thêm con (sinh đủ hai con).
TP.HCM đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ như nhà ở, viện phí, học phí… để người dân an tâm sinh và nuôi dạy con. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN
Cạnh đó, nhiều nguyên nhân khác dẫn tới thực tế nêu trên như chất lượng môi trường sống, áp lực tâm lý và sức khỏe của các cặp vợ chồng, sự thay đổi về quan điểm kết hôn và sinh con trong thanh niên… Ngoài ra, tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố khiến nhiều gia đình không thể sinh con.
Ông Trung nhận định mức sinh thấp là một bài toán rất khó, muốn giải quyết cần sự chung tay của nhiều bên liên quan. Trước hết, TP.HCM cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như mua nhà ở xã hội; hỗ trợ viện phí ở lần sinh con thứ hai; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn...
Tiếp đó là những chính sách hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con như hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế - giáo dục; miễn giảm học phí; thay đổi hình thức, thời gian trông trẻ mầm non - mẫu giáo; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân; điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản…
“Tuy nhiên, những đề xuất trên không đơn giản để thực hiện do đòi hỏi phải phù hợp với điều kiện thực tế của TP. Vì thế, đối với bài toán nhân lực trong tương lai, TP.HCM cần phải tính đến các chế độ an sinh xã hội cho lực lượng lao động nhập cư, tạo điều kiện cho họ phát triển tốt nhất để đóng góp cho TP” - ông Trung nhấn mạnh.
Nhiều cặp vợ chồng sinh một con và đợi khi có điều kiện sẽ sinh thêm con thứ hai. Tuy nhiên, nếu khoảng cách giữa hai lần sinh quá dài có thể sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Khi đó, người mẹ phải lặp lại chu trình sinh con, nhiều người sẽ bị lạ lẫm, phải học lại một số kiến thức chăm sóc con nhỏ. Nếu người mẹ vướng vào giai đoạn lớn tuổi sẽ dẫn đến nguy cơ cho thai nhi, tỉ lệ khó có con lại cũng cao hơn. Khoảng cách lý tưởng giữa các lần sinh con là từ ba đến năm năm, thời gian đó đủ để người mẹ phục hồi sức khỏe và quá trình nuôi con nhỏ sẽ đỡ vất vả hơn. Nếu mẹ sinh mổ, vết sẹo cũng đã lành lại, sức khỏe tử cung đã hồi phục để sẵn sàng mang thai. BS CKII BÙI THỊ THU HÀ, Phó Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, BV Từ Dũ |