Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện.
Bệnh nhân được gia đình đưa tới TTYT huyện Văn Lãng trong tình trạng tỉnh, vàng da toàn thân, đau bụng hạ sườn phải. Kết quả siêu âm ổ bụng cho hình ảnh sỏi túi mật, xử trí truyền dịch, kháng sinh, giảm đau. Sau 1 ngày điều trị tình trạng không cải thiện, bệnh nhân được chuyển tới BVĐK, nhập khoa Ngoại Tiêu hóa với chẩn đoán “theo dõi viêm túi mật do sỏi”.
Sau 1 ngày nhập viện bệnh nhân có diễn biến nhanh với triệu chứng lơ mơ, ngủ gà, ăn uống kém, vàng da tăng dần, nước tiểu ít. Lúc này, người bệnh được hội chẩn chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị tiếp. Bệnh nhân được nghi ngờ và làm xét nghiệm Leptospira nhưng thời gian trả kết quả là sau 5 ngày nên chưa thể khẳng định chắc chắn. Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán theo dõi nhiễm Leptospira mức độ nặng có tổn thương đa cơ quan, nổi bật là tổn thương thận cấp, suy chức năng gan và giảm tiểu cầu.
Đây là trường hợp mắc thể nặng đầu tiên, các triệu chứng khởi phát không điển hình, nhiều triệu chứng nặng nề, có bệnh lý mắc kèm gây khó khăn trong chẩn đoán, nguy cơ tử vong cao. Việc điều trị thành công cho trường hợp bệnh nhân đã khẳng định trình độ chuyên môn, năng lực của các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực; góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng.
Theo BS Đô, Leptospira – xoắn khuẩn vàng da là một bệnh lý do vi khuẩn ảnh hưởng đến con người và động vật, lây truyền chủ yếu qua đường da, niêm mạc ngoài ra có thể qua đường tiêu hóa, hô hấp. Bệnh có thể gây ra một loạt các triệu chứng như: Sốt, rét run, đau đầu, nhức mắt, buồn nôn, đau cơ thường dữ dội, tự nhiên và tăng khi sờ nắn nhất là cơ bắp chân, da niêm mạc xung huyết, vàng da, vàng mắt, tiểu ít,… Tuy nhiên, một số người bị nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng nào cả. Ở thể bệnh nặng (thể Weil) nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến tổn thương suy thận, suy gan, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Leptospira là bệnh lý có tính chất đặc thù, do khả năng sống tự do trong đất, trong nước ngọt và trong môi trường nước mặn. Ở nước ta, bệnh hay gặp ở những người làm công việc trong rừng như bộ đội, công nhân địa chất, lâm nghiệp, công nhân chăn nuôi và nông dân.
Do vậy, người dân cần hết sức lưu ý trong quá trình sinh hoạt và sản xuất, cần sử dụng phương tiện phòng hộ (đi giày, ủng, găng tay… khi đi vào rừng) Khi có các triệu chứng bất thường ảnh hưởng tới sức khỏe, cần tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.