Sau đó, cô xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm và hoạch định phương hướng giải quyết như: ổn định đội ngũ, gắn kết nội bộ thành khối đoàn kết thống nhất; Xây dựng cảnh quan, môi trường giáo dục từ ngoài vào trong mỗi lớp học, bám sát nội dung” Lấy trẻ làm trung tâm” và làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền tới từng từng cụm dân cư.
“Miệng nói tay làm”
Xác định, một tập thể đoàn kết thống nhất nội bộ thì nhà trường mới phát triển, nên cô Khanh đã gắn kết ổn định nội bộ bằng việc dùng nhân tâm để thu phục lòng người và “miệng nói tay làm”. Cô gương mẫu đi đầu trong tất cả mọi công việc; luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo.
“Tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để giải quyết công việc thấu tình đạt lý nhưng cương quyết, dứt khoát. Mọi vướng mắc khó khăn, tôi luôn tìm hướng tháo gỡ phù hợp, hiệu quả nhất. Trong tài chính, tôi thực hiện công khai, rõ ràng, minh bạch. Biết tha thứ, chia sẻ, cảm thông, sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ trong điều kiện cho phép. Biết hy sinh vì lợi ích tập thể và không trù dập định kiến với bất kỳ thành viên nào” – cô Khanh chia sẻ.
Chính vì thế mà chưa đầy 2 tháng, cô đã tạo được lòng tin, sự yêu mến, nể trọng của tập thể. Tất cả các anh chị em đều tâm phục, khẩu phục, chấp hành tốt mọi kỷ luật của nhà trường. Tham gia đầy đủ, nhiệt tình các hoạt động. Ai cũng có tâm trạng vui vẻ, phấn khích, làm việc hiệu quả. Một số giáo viên trước đây có ý định chuyển ra ngoài làm, nay đã hoàn toàn bỏ ý định đó, yên tâm ở lại trường làm việc.
Song song với việc ổn định đội ngũ, cô bắt tay vào cải tạo, thay đổi môi trường, khung cảnh sư phạm, thay đổi, trang bị một số đồ chơi ngoài trời phù hợp, có thẩm mỹ. Cô phân chia các khu vực và phân công các nhóm phụ trách. Việc xây dựng góc vận động phát triển thể chất cho trẻ đã gây được sự hứng thú, cuốn hút trẻ thích được đến trường, thích đi học.
Đặc biệt, cô đã truyền được ngọn lửa đam mê và kích thích được khả năng sáng tạo của mỗi người giáo viên bằng việc trực tiếp vừa làm, vừa hướng dẫn tỷ mỷ, cẩn thận. Cô cùng giáo viên xây dựng môi trường của lớp theo hướng mở, đổi mới sáng tạo. Sau đó cho các lớp đến kiến tập, học tập lẫn nhau. Cô đã phát huy được năng lực sở trường và truyền cảm hứng sang tất cả đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Cô giáo Lê Thị Tuyết – phụ trách lớp nhà trẻ từng là một giáo viên sống “khép mình”, không tham gia bất cứ phong trào, hoạt động gì của trường; thậm chí có những lúc cô có suy nghĩ cực đoan. Nhưng nhờ sự chân thành, động viên khích lệ của cô Khanh nên cô Tuyết đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động. Nay cô năng nổ tham gia các phong trào thi đua của trường và trở thành giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thua đua cấp cơ sở.
“Tôi không nghĩ mình lại có sự bứt phá như ngày hôm nay. Tôi thấy nhận thấy mình trưởng thành hơn và không phải là tôi của ngày hôm qua” – cô Tuyết bộc bạch và gửi lời cảm ơn đến cô Khanh – người đồng nghiệp, người chị và thủ trưởng đáng quý của mình.
Nhận xét về hiệu trưởng, cô Lê Thuý Nga – tổ trưởng tổ bếp bày tỏ, cô đã học được rất nhiều từ cô Khanh; trên hết là sự kiên nhẫn, cởi mở, hoà đồng và luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân viên. Có những hôm nhà bếp thiếu người, cô Khanh sẵn sàng “xắn tay áo” để chia cơm cho học sinh, thậm chí cô còn kiêm luôn “cửu vạn”, khuân vác nguyên vật liệu cho nhà bếp.
“Có những hôm, tôi thấy cô vẽ tranh, làm đồ chơi, đồ dùng học tập. Hôm thì thấy cô cầm cưa miệt mài cắt từng tấm gỗ. Hôm khác lại thấy cô cấm búa đóng đinh vào bàn ghế v.v… Phải nói là “hiếm có khó tìm” một hiệu trưởng như cô Khanh. Giờ đây, tất cả chúng tôi coi nhau như chị em trong nhà, thân tình, thân ái nên không câu nệ thủ trưởng với nhân viên”- cô Nga bộc bạch.