Giá trúng thầu cao hơn thị trường 271%
Từ tháng 10 - 12 năm 2021, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn ký 2 Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với tổng giá trị trên 30 tỷ đồng. Giá nhiều mặt hàng trúng thầu cao gấp nhiều lần so với thị trường, thậm chí có sản phẩm cao gấp hàng trăm %.
Cụ thể, ngày 10/12/2021, bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng Giáo dục huyện Sóc Sơn ký Quyết định số 254/QĐ-GDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 các trường công lập trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục – Công ty Cổ phần Điện chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hồ Gươm. Giá trúng thầu là 13.228.680.000đ.
Đến ngày 30/12/2021, bà Trần Thị Thanh Huế tiếp tục ký Quyết định số 270/QĐ-GD&ĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm đồ dùng thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, 6 cho Liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần VINALONG – Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Bình An trúng với giá 17.239.580.000đ. Tổng giá trị 2 gói thầu trên là 30.468.260.000đ
Mục đích của việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị là để tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tại gói thầu này, nhiều mặt hàng có giá trúng thầu cao hơn nhiều giá thị trường.
Đơn cử như màn chiếu điện 70x70 inches Dalite giá thị trường chỉ 1.259.000đ, nhưng giá trúng thầu lên đến 2.871.000đ. Sản phẩm Máy chiếu (Projecter) OPTOMA giá thị trường chỉ 7.600.000đ, nhưng giá trúng thầu lên đến 13.761.000đ.
Bộ thiết bị dạy số và so sánh số giá thị trường chỉ 40.000đ, nhưng giá trúng thầu 68.000đ – cao hơn thị trường 170%. Bộ sa bàn giáo dục giao thông giá thị trường 550.000đ, giá trúng thầu lên đến 1.495.000đ.
Những mặt hàng trên được đối chiếu theo tiêu chuẩn kỹ thuật chương V của Hồ sơ mời thầu. Giá sản phẩm đã bao gồm thuế VAT, công vận chuyển, bảo hành và các chi phí khác…
Nhiều mặt hàng khác tại gói thầu theo Quyết định số 270/QĐ-GD&ĐT cũng có tình trạng tương tự.
Chính quyền huyện Sóc Sơn “im lặng”
Để làm rõ nguyên nhân vì sao nhiều mặt hàng sau đấu thầu tại Phòng Giáo dục huyện Sóc Sơn lại có sự chênh lệch rất lớn so với thị trường, báo Giáo dục và Đào tạo đã liên lạc với bà Trần Thị Thanh Huế - người ký quyết định phê duyệt 2 gói thầu nêu trên, bà Huế hướng dẫn PV đặt lịch làm việc tại UBND huyện Sóc Sơn trước.
PV Giáo dục và Thời đại tiếp tục đến trực tiếp UBND huyện Sóc Sơn và Phòng Giáo dục huyện Sóc Sơn liên hệ, nhưng sau khi tiếp nhận thông tin báo chí, phía UBND huyện Sóc Sơn không đưa ra phản hồi. Phía Phòng Giáo dục huyện Sóc Sơn cũng im lặng và không trả lời bất cứ câu hỏi nào do PV Giáo dục và Thời đại đặt ra.
Có ý kiến sẽ cho rằng, giá nhiều sản phẩm cao hơn thị trường là điều trái ngược với mục đích của việc đấu thầu. Do đó, các cơ quan liên quan cần sớm vào cuộc để tìm hiểu sự việc, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Được biết, thời gian gần đây, cơ quan chức năng các địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu. Kết quả là nhiều vụ việc nâng khống giá thiết bị đã bị lôi ra ánh sáng. Điển hình như việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa hồi cuối năm 2021 về hành vi cấu kết với các đơn vị đấu thầu nhằm nâng khống giá thiết bị.
Trước đó, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh cũng bị cơ quan điều tra khởi tố vì cấu kết, nâng khống giá thiết bị.
Mới đây là việc cơ quan điều tra khởi tố vụ nâng khống giá kít tes Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á.
Trước tình trạng phức tạp trong hoạt động đấu thầu, ngày 10/3, tại Cuộc họp lãnh đạo chủ chốt, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý kiến chỉ đạo, giao cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vi phạm trong các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối chiếu với công tác đấu thầu tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ nhằm đưa ra câu trả lời trước dư luận.