Theo cô Thắng, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của ngành Giáo dục, trẻ mầm non khi ở nhà vẫn được học các chương trình mầm non theo đúng khung đào tạo. Nhà trường chỉ đạo giáo viên các lớp xây dựng bài giảng, quay video, clip để gửi cho phụ huynh hướng dẫn, giáo dục cho các em tại nhà.
Bên cạnh đó, Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch, đường hướng cụ thể trong quá trình triển khai với mục tiêu đạt kết quả, hiệu quả cao nhất dù học sinh phải ở nhà.
“Nhà trường, giáo viên cũng thường xuyên có sự tương tác, liên hệ, trao đổi với phụ huynh để hướng dẫn, thống nhất cách thức, phương pháp giảng, dạy cho các con ở nhà thông qua các video được giáo viên gửi. Nhờ vậy mà, việc dạy và học của trường vẫn luôn đảm bảo cả về số lượng và chất lượng…”, cô Thắng cho biết thêm.
Cô Thắng cũng bày tỏ, mong muốn sớm được đón trẻ đến trường để dạy học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
“Đối với các em lớp 5 tuổi chuẩn bị lên lớp 1 của cấp Tiểu học, nhà trường rất băn khoăn, trăn trở để bổ sung kiến thức, kĩ năng cho các em. Đặc biệt việc làm quen với các kĩ năng đọc, viết… để các em có đủ tâm thế bước vào lớp 1…”, cô Thắng nói.
Giải pháp căn cơ
Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cũng cho biết, nhiệm vụ năm học 2021 -2022 thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa tích cực phòng chống dịch Covid - 19, vừa triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục, đảm bảo yêu cầu chất lượng các yêu cầu cốt lõi, đặc biệt quan tâm đến triển khai Chương trình, SGK lớp 1, 2 và 6.
Đồng thời, phấn đấu hoàn thành kế hoạch về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong 2 năm 2021 và 2022; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, chủ động kịch bản, phương án dạy học trước tác động của dịch Covid-19…
Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn sẽ hỗ trợ các nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, chú trọng từ xây dựng bài giảng trực tuyến, thành lập các nhóm mạng xã hội nâng cao kiến thức cho học sinh; thí điểm nhóm zalo hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi; khuyến khích giáo viên áp dụng phần mềm hỗ trợ dạy học tiếng Anh như Duolingo, ELSA cho học sinh…
Phòng GD&ĐT cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội sớm tổ chức thi tuyển viên chức cho ngành giáo dục để kịp thời bố trí đủ giáo viên cho các nhà trường. Nếu chưa kịp thi tuyển, kiến nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các nhà trường có giải pháp đảm bảo đủ giáo viên cho năm học.
“Không chỉ kịp thời phát hiện, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có những sáng kiến, sáng tạo, việc làm tốt góp phần nâng cao hiệu quả công tác. Từ đó, tạo sức lan toả, tạo cảm hứng đổi mới, sáng tạo cho tập thể sư phạm các nhà trường.
Phòng GD&ĐT cũng tăng cường công tác kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỉ cương hành chính, các khoản thu, chi, quy chế dân chủ, công tác tuyển sinh, dạy thêm học thêm để xử lí nghiêm minh các sai phạm…”, bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn nhấn mạnh.
Từ sự nỗ lực của cả ngành giáo dục huyện Sóc Sơn, năm học 2020 -2021 tỉ lệ học sinh giỏi của huyện đạt trên 33% (tăng 2% so với năm học trước), tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt gần 100%. Chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đứng thứ 17/30 quận, huyện (tăng 2 bậc so với năm học trước). Riêng học sinh khối 9 có 54 em đạt giải học sinh giỏi văn hóa cấp thành phố (1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 21giải Ba và 29 giải Khuyến khích), tăng 33 em so với năm học trước. Bên cạnh đó, có 6 giáo viên đạt giải trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, trong đó có 1 giải Nhì, 4 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.