Trẻ con là đối tượng non nớt, chưa có sự hiểu biết về cuộc sống nên luôn tò mò với thế giới xung quanh. Các bậc cha mẹ cần kích thích trí tò mò của trẻ bởi mọi sự giới hạn hay cấm đoán trẻ khám phá cuộc sống có thể làm cho chúng có tâm lý trở ngại, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.
Đối với người Do Thái, họ luôn tạo môi trường giáo dục cho trẻ một cách khoa học và phù hợp. Ở đó, trẻ được thỏa mãn sự tò mò của bản thân về mọi vấn đề trong cuộc sống, phù hợp với độ tuổi, sở thích, mong muốn... của trẻ.
Chẳng hạn như, khi trẻ phát hiện về một loài cây kỳ lạ nào đó xuất hiện trong cuốn sách hay một chương trình mà trẻ yêu thích. Chúng sẽ có tâm lý tò mò và mong muốn khám phá về loài cây đó. Người lớn lúc này cần tìm hiểu đúng nhu cầu của trẻ và cung cấp cho chúng tư liệu phù hợp giúp trẻ hiểu hơn về vấn đề chúng đang quan tâm.
Lười biếng hay không làm gì cả ngày không bao giờ có trong suy nghĩ của trẻ Do Thái bởi các em được dạy làm việc chăm chỉ, biết quản lý thời gian. Ảnh minh hoạ
Học là sự lặp lại không ngừng nghỉ
Người Do Thái coi việc học là "sự lặp đi lặp lại". Đọc, nói, nghe, viết phải được thực hành lặp đi lặp lại và những gì đã học phải được ghi nhớ bằng cách nhắc lại. Với phương pháp giáo dục này của người Do Thái khá tương đồng với câu nói của Lênin: "Học, học nữa, học mãi".
Khen ngợi trẻ ngay khi có thể
Những bà mẹ Do Thái luôn khen ngợi con, ngay từ khi trẻ được sinh ra và chưa hiểu ngôn ngữ của cha mẹ. Mọi động tác của trẻ như biết nói hoặc biết vẽ đều sẽ nhận được những lời khen ngợi từ cha mẹ. Đặc biệt, trẻ em Do Thái thường được khen ngợi ở chốn đông người để các em có thể cảm nhận sự hiện diện và vị trí của mình trong xã hội.
Nếu thành tích của trẻ ấn tượng hơn, các em sẽ nhận được sự vỗ tay, chúc mừng từ tất cả thành viên trong gia đình. Người Do Thái tin rằng việc được khuyến khích sẽ nâng cao lòng tự trọng, thúc đẩy tinh thần và cung cách làm việc của trẻ.
Trì hoãn sự thoả mãn để rèn luyện ý chí
Trì hoãn sự thỏa mãn là một trong những phương pháp giáo dục quan trọng của người Do Thái. Điều này cho phép trẻ học cách kiên nhẫn, tinh thần chịu khó, khả năng kiềm chế nhằm hình thành một người kiên cường trong tương lai.
Trong nhiều gia đình, cha mẹ thường đáp ứng nguyện vọng và thỏa mãn các yêu cầu của con một cách nhanh chóng. Điều này khiến trẻ không hiểu được thế nào là khó khăn để có được thứ mình muốn và sẽ tự coi mình cao hơn người khác một bậc.
Sara Imas, bà mẹ Do Thái có 2 con trai là tỷ phú ngành công nghiệp kim cương đã khẳng định: "Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con".
Trì hoãn sự thỏa mãn nhằm nâng cao sức chịu đựng tâm lý của trẻ khi bị từ chối và nuôi dưỡng "trí thông minh nghịch cảnh" là điều cần thiết để thành công. Đồng thời, cha mẹ có thể rèn luyện cho trẻ ý chí và kỳ vọng vào cuộc sống trong việc hưởng thụ chậm trễ, từ đó trở nên linh hoạt và kiên nhẫn hơn trong học tập.
Trò chuyện cùng trẻ
Cha mẹ là người đóng vai trò trung gian giúp thúc đẩy khả năng phát triển trí tuệ của trẻ thông qua sự tương tác, trao đổi. Điều này đã được GS Reuven Feuerstein nhận định trong học thuyết nổi tiếng
"Trải nghiệm học có trung gian". Ông cho rằng, trí thông minh của trẻ sẽ được bồi dưỡng và phát triển tốt khi có sự hỗ trợ tích cực từ phía cha mẹ."
GS Feuerstein cũng khẳng định rằng, trí thông minh của trẻ là không có giới hạn và giãn nở tùy ý. Điều này thì phụ thuộc vào phương pháp mà cha mẹ giáo dục và định hướng phát triển cho con. Vì vậy, cha mẹ cần trò chuyện, tâm sự cùng con để tạo động lực, giúp con có tư duy tích cực, tin tưởng vào khả năng của mình.
Đồng thời, khuyến khích con bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của bản thân, để từ đó ba mẹ sẽ biết cách hỗ trợ và định hướng cho con phù hợp.
Tìm ra lý do thất bại chứ không phải tập trung đến điểm số
Khi con bị điểm kém, nhiều bố mẹ chỉ tập trung đến điểm số để la mắng. Song người Do Thái lại tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân khiến con thất bại. Bởi thất bại này chính là chìa khóa của thành công tới.
Ví dụ nếu con bị điểm thấp trong bài kiểm tra, cha mẹ Do Thái thường không chỉ trích con mà tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết triệt để vấn đề.
Dạy trẻ cách quản lý thời gian
Trẻ em Do Thái được dạy rằng phải làm việc chăm chỉ và biết cách quản lý thời gian hợp lý để mọi việc không chồng chéo lên nhau. Cha mẹ Do Thái cho con học rất nhiều bộ môn cùng lúc với khối lượng thời gian lớn như đàn violin, tiếng Anh, Toán học.
Nhiều em sinh ra trong gia đình kinh doanh buôn bán có thể tham gia làm việc cùng cha mẹ từ rất sớm. Thông qua những hoạt động trải nghiệm lớn và liên tục như vậy, các em phải học cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc và luôn tự nhủ phải làm việc chăm chỉ.