Được nhiều người quen mặt, ông On cũng "thuộc lòng" các hộ buôn bán ở đây, hễ ai muốn nhờ gánh thì gọi điện. Một bẹ nước đá 50kg (dài 1m) được hãng nước đá cắt làm hai, nửa bẹ đó khi ông tới lấy thì cắt làm tư để bỏ vừa hai cái giỏ. "Sức tui làm được nhiêu đó thôi, hồi xưa tui gánh nhiều hơn", ông nói.
Người đàn ông 47 tuổi tâm sự bản thân gắn bó với nghề gánh hàng thuê ở núi Cấm từ thời trai tráng. Ông kể hồi đó trong sóc này khá nhiều người làm cửu vạn, đem hàng lên núi bằng sức người. "Người ta gánh su, mít, măng, trái cây, rau củ này kia. Rồi từ từ nhu cầu thuê người gánh ít lại vì có đường cho xe chạy lên núi rồi", ông tâm sự.
Từ đó cơ giới thay sức người, việc đem hàng lên hay các vườn chuyển hàng từ núi xuống đều bằng xe máy. Việc ít, tiền công giảm, nhiều người từ trẻ tới già đã bỏ nghề, tìm công việc khác hoặc đi làm công nhân xa xứ.
Hồi xưa ngoài nước đá, ông gánh su hào, rau củ lên núi, thậm chí tới đỉnh ngay điện Bồ Hong. Một chuyến gánh từ chân lên tới đỉnh núi khoảng bốn tiếng, đi từ sáng sớm, lúc về tới nhà 1h-2h trưa, hôm nào hai, ba chuyến thì đi tới 5h-6h chiều. Nhưng từ khi núi Cấm có đường cho xe chạy, ông ít khi gánh tới đỉnh, thường chỉ tới hết đường bậc thang.
Là lao động nghèo, không đất đai hay trâu bò, sức khỏe cũng chẳng đủ làm công việc khác nên ông On buộc phải bám núi để tiếp tục cái nghề "ráo mồ hôi là hết tiền", ngày ngày mang những gánh hàng nặng quằn từ dưới chân núi lên đỉnh và ngược lại để nuôi gia đình.
Ông là con thứ tư trong gia đình sáu anh em. Không có vợ con, ông hiện sống trong căn nhà tình nghĩa nằm sâu trong xóm với cha mẹ, vợ chồng và hai con của người em gái út bị câm, làm nghề gánh dưa hấu thuê. Ngoài cha mẹ, ông còn phải nuôi người cô ruột bị mù và đứa em trai tâm thần. Mỗi ngày, sau khi gánh hàng xong, tiền kiếm được không đủ nên ông cùng người em rể đi bắt cá, hái rau để có bữa cơm cho cả nhà.
Anh Chau Đen (39 tuổi, em rể ông On) cho biết anh thấy ông On làm công việc quá cực, đi mấy cây số đường núi mà tiền kiếm được chưa đến 50.000 đồng nên anh không theo nghề này mà chọn gánh dưa hấu thuê từ vườn lên ghe cho người ta.
"Gánh dưa hấu thì ổng làm không nổi vì phải mấy chục, cả trăm ký, công việc này người trẻ, khỏe mới được kêu làm. Còn sức ổng chỉ gánh cỡ 30kg đổ lại nên gánh nước đá thôi", anh Đen kể.
Hiền lành, chịu khó nên ông Chau On cũng được người dân trong xóm thương. Anh Chau Chanh Ra Đa (36 tuổi, cách nhà ông On vài căn) cho biết hàng xóm cũng thương ông On nên hay cho gạo, cho đồ ăn, cơm từ thiện đi ngang cũng xin cho ông. Ông cũng được một số nhà hảo tâm biết hoàn cảnh và giúp đỡ.
Còn ông On, chúng tôi hỏi ông sẽ làm người gánh thuê cuối cùng trên Thiên Cấm Sơn tới khi nào, ông cười nói khi nào làm hết nổi mới nghỉ. Ông cố gắng bám trụ cái nghề này không chỉ vì mình, mà sau lưng ông còn đến bốn người thân không còn sức lao động, đang đợi những đồng tiền đẫm mồ hôi của ông mang về đổi lấy chén cơm...
"Bữa nào nhiều thì gánh hai chuyến, ít thì một chuyến, chủ yếu là mối quen kêu tui", ông On nói. Tiền công gánh cho từng nhà bình thường là 15.000 - 20.000, cao lắm 30.000 đồng, tùy khoảng cách và độ cao núi.
Người dân ở đây hầu như chẳng ai không biết mặt ông, ngay cả một số du khách hay lên núi chơi cũng biết "chú gánh nước đá". Thi thoảng gánh xong, người ta thương cho ông thêm 5.000 - 10.000 đồng.