Ông Đặng Mạnh Phước cho biết, rất khó để “vẽ chân dung” tệp khách hàng siêu giàu, bởi đa số đều đặt sự riêng tư lên hàng đầu, các dịch vụ cung cấp cho họ theo đó cũng kín kẽ, bảo mật. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và sự quan sát, trao đổi, ông Phước chỉ ra một vài đặc điểm trong cách chi tiêu của phân khúc khách hàng này.
Thứ nhất, nhiều trong số họ là chủ doanh nghiệp, KOLs, người nổi tiếng, có thể ngại xuất hiện trước truyền thông, đám đông…
Thứ hai, mức chi tiêu thông thường của họ gấp nhiều lần mức chi trả thông thường. Chính vì mức chi trả cao, các sản phẩm họ muốn nhận được phải tỉ mỉ, khác biệt và được thiết kế theo đúng nhu cầu riêng biệt của du khách.
Bảng giá một khu resort ở Quảng Nam.
"Nói như vậy không phải chỉ cần bán cái gì thật đắt thì khách siêu giàu họ sẽ tới chi tiền vô tội vạ, mà các dịch vụ phải xứng đáng mức chi trả", ông Phước nói và cho biết xu hướng nhu cầu thị trường cho phân khúc này thường ưu tiên chăm sóc sức khoẻ, nghỉ dưỡng nhiều hơn trải nghiệm, hướng tới các chuyến đi quốc tế…
Khi đánh giá về phân khúc du lịch cho giới siêu giàu Việt trong thời gian, ông Phước lại cho rằng dù khó nhưng rất tiềm năng, bởi số lượng người giàu Việt Nam ngày càng nhiều lên.
Theo một công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam sẽ có 26% dân số thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2026. Báo cáo mới đây của Công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners cũng cho thấy, TPHCM đứng thứ 9 trong top 10 thành phố có số lượng người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ qua.
“Đâu đó vài phần trăm trong số này chi trả cho các dịch vụ du lịch cao cấp thì cũng rất tiềm năng rồi. Thực tế, người Việt Nam chi trả cho đi du lịch nước ngoài khá nhiều, chi tiêu thuộc top cao nhất ở khu vực Đông Nam Á”, ông Phước nói.
Thu nhập người Việt tăng lên
Theo khảo sát vừa được Tổng cục Thống kê công bố, thu nhập người Việt tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Trong đó, nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,23 triệu đồng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất).
Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất là 3,2 lần năm 2022. Điểm nổi bật là chênh lệch giữa 2 nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2022 có phần được cải thiện so với năm 2020 (chênh lệch năm 2020 là 5,7 lần).