ẤN ĐỘ - Bác sĩ Philips tiến hành đủ loại xét nghiệm nhưng không biết người thân mắc bệnh gì. Trong khi đó, người giúp việc của ông lại nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân.
“Mọi người đều có điều gì đó để dạy bạn”, bác sĩ Cyriac Abby Philips nhận ra điều này sau khi người giúp việc đưa ra manh mối để ông chẩn đoán bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa gan Philips kể về trải nghiệm đặc biệt của mình trên X. Trước đó, vị bác sĩ làm việc tại bang Kerala (Ấn Độ) đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không xác định được nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó hiểu của một thành viên trong gia đình ông.
Người mắc bệnh thứ năm thường sốt nhẹ, có phát ban ở má. Ảnh: Northwell
“Người thân của tôi sốt nhẹ liên tục kèm theo cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi, tê liệt, viêm khớp và phát ban. Tôi tiến hành đủ loại xét nghiệm từ viêm gan siêu vi đến Covid-19, cúm, sốt xuất huyết và virus Epstein Barr. Nhưng tất cả đều âm tính”.
Cuối cùng, vị bác sĩ đã tìm thấy câu trả lời từ một nhân vật không ngờ - người giúp việc trong gia đình ông.
“Bác giúp việc lớn tuổi đến và nói với tôi rằng bà ấy đã nhìn thấy vết phát ban này ở cháu của mình. Người cháu bị Anjaampani (ngôn ngữ địa phương) nghĩa là bệnh thứ 5”, bác sĩ Philips nhớ lại. Đây là tình trạng phát ban ngoài da ở trẻ em do Parvovirus B19 gây ra, còn gọi là ban đỏ nhiễm khuẩn.
Sau khi nghe người giúp việc kể, bác sĩ Philips lập tức đi xét nghiệm Parvovirus B19 cho bệnh nhân, kết quả dương tính. “Tôi có 17 năm học y nhưng bác giúp việc phát hiện bệnh chỉ trong 10 giây”, ông chia sẻ đầy cảm phục và khiêm nhường.
Câu chuyện trên đã khiến ông rút ra một bài học sâu sắc: “Mọi người đều có điều gì đó để dạy bạn. Hãy lắng nghe”.
Dưới bài viết của bác sĩ Philips có rất nhiều bình luận thể hiện sự cảm kích. “Đôi khi kiến thức thực tế đánh bại lý thuyết”, một người nhận xét. Người khác nói thêm: “Chuyện này cho thấy bác sĩ sẵn sàng tiếp thu và công nhận các kiến thức, bất kể từ nguồn nào”.
Bệnh thứ năm hay ban đỏ nhiễm khuẩn phổ biến ở trẻ em hơn người lớn, lây lan qua chất dịch trong mũi, miệng khi ai đó ho hoặc hắt hơi. Các đường lây truyền khác là từ mẹ sang con, đường máu.
Giống như các bệnh phát ban do virus khác, bệnh thứ năm thường có biểu hiện ban đầu không đặc trưng như sốt nhẹ, đau đầu. Sau vài ngày, bệnh nhân xuất hiện phát ban. Có hai dấu hiệu phát ban nổi bật: hai má đỏ và ban đỏ dạng lưới ở tay chân, thân mình. Ở má, thương tổn đỏ da, cảm giác hơi nóng, rát, giống như ai đánh vào hai má của người bệnh. Triệu chứng này kéo dài 2-4 ngày, sau đó xuất hiện ban đỏ màu hồng, dạng lưới ở các chi, có thể gặp ở cả cơ thể.
Ban có thể mất đi sau vài ngày, nhưng một số trường hợp kéo dài vài tuần, thấy rõ nhất khi thời tiết ấm. Bệnh nhân có thể xuất hiện hạch sưng to, viêm họng.
Bệnh lành tính nhưng có thể gây nguy hiểm ở người suy giảm miễn dịch, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc phụ nữ mang thai. Parvovirus B19 không gây dị tật thai nhi nhưng gây thai lưu với tỷ lệ khoảng 9%. Các biến chứng khác có thể gặp là viêm đa khớp, viêm não, viêm gan, viêm cơ, bệnh tim.
Ban đỏ nhiễm khuẩn được gọi là bệnh thứ năm theo cách phân loại về ngoại ban nhiễm trùng ở trẻ em. Trong đó, sáu bệnh được gọi tên theo thứ tự gồm bệnh thứ nhất (sởi), bệnh thứ hai (rubella), bệnh thứ ba (sốt tinh hồng nhiệt), bệnh thứ tư (bệnh Dukes), bệnh thứ năm (ban đỏ nhiễm khuẩn), bệnh thứ sáu (exanthem subitum). |