Hướng dẫn viên Trần Thúy Hoàn cho biết: Nếu không tự làm mới cách thức truyền đạt, học hỏi thêm thông tin đáp ứng nhu cầu của khách tham quan thì sẽ rất nhanh… chán nghề. Cái gì cũng cần sự học hỏi, đổi mới để tiến kịp với thời đại, làm hướng dẫn viên cũng vậy. Trăn trở để làm tốt hơn nữa công việc của mình tại khu di tích chính là nhiệm vụ của một người “kể sử”.
Họ không chỉ nắm tốt kiến thức, mà còn rèn luyện âm sắc giọng nói, cách thức truyền tải câu chuyện sao cho mới mẻ và hấp dẫn người nghe. Theo anh Đào Anh Tuân, cùng với năng khiếu, người thuyết minh trước hết phải có tâm, có ngọn lửa trong trái tim, phải làm sao thời hoa lửa của các anh, các chị phải rực sáng lên qua giọng nói của mình.
“Không thể đối tượng nào cũng nói như nhau, ví dụ với học sinh, sinh viên, phải giới thiệu kỹ, cung cấp cho các em nhiều thông tin nhằm tái hiện được đời sống trong chiến tranh giành độc lập của cha anh. Từ đó, góp phần hun đúc trong thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn, ý thức, trách nhiệm bản thân mình đối với Tổ quốc…”, anh Đào Anh Tuân bộc bạch.
Để làm được điều này, thuyết minh viên luôn uốn nắn từng câu chữ, không để sai sót dù là chi tiết nhỏ nhất. Ngoài tìm hiểu thông tin lịch sử qua báo đài, thuyết minh viên còn gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để góp nhặt những câu chuyện nhằm tái hiện chân thực nhất những năm tháng ác liệt nhưng đầy hào hùng của quân và dân tại Ngã ba Đồng Lộc.
Anh Phan Công Lệ có 20 năm thâm niên gắn bó với nghề thuyết minh viên tại Ngã ba Đồng Lộc. |
Những vết thương của một thời bom đạn đã dần lành lặn trên mỗi thân đất, thân người nhưng huyền thoại về 10 cô gái thanh niên xung phong, về những người lính đã chiến đấu trên chiến trường Đồng Lộc đã trở thành những bông hoa bất tử trong lòng muôn triệu người dân Việt.
Mỗi năm có hàng triệu lượt du khách viếng thăm tại khu di tích. Nhiều người sau đó quay lại vài lần và cũng có những người chỉ đến một lần nhưng đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong ký ức của các thuyết minh viên ở đây.
Một điều đặc biệt, dù đón tiếp đoàn khách miền Bắc, miền Nam hay miền Trung, các thuyết minh viên vẫn giữ nguyên giọng nói “nằng nặng” đặc trưng Hà Tĩnh. Từng câu, từng chữ, dưới chất giọng mang âm hưởng quê hương đưa đến cho người nghe cảm xúc về sự chân chất, mộc mạc mà sâu nặng nghĩa tình của những con người sông La.
Em Nguyễn Linh Trang (học sinh Trường THPT Quỳ Châu, Nghệ An) chia sẻ: “Mỗi câu chuyện qua lời kể của các anh chị luôn khiến em bồi hồi xúc động. Em rất cảm ơn các thuyết minh viên đã giúp chúng em phần nào hình dung được không khí lịch sử đầy hào hùng của thế hệ đi trước. Chuyến hành hương về nguồn lần này là dịp em nhìn nhận lại bản thân, tự hứa sẽ nỗ lực quyết tâm hơn trong học tập để trở thành công dân có ích”.
Trong 20 năm gắn bó với nghề, anh Phan Công Lệ vẫn nhớ như in lần làm thuyết minh viên cho đoàn cựu chiến binh tỉnh Bình Dương cách đây 7 năm. Anh kể, đó là vào khoảng tháng 4, anh được Ban Quản lý phân công làm thuyết minh viên cho đoàn.
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc có 10 người đang làm thuyết minh viên tại đây. |
Qua tìm hiểu, anh được biết các bác đều là những người lính từng vào sinh ra tử, có những người kinh qua nhiều chiến trường ác liệt. Nhưng khi tới đây, mọi người đều rưng rưng nước mắt. Sự xúc động ấy khiến bản thân anh nhiều lần phải ngừng lại để cân bằng cảm xúc của mình.
Hay mỗi lần thuyết minh cho học sinh cũng để lại trong anh những cảm xúc bồi hồi. “Mỗi câu chuyện kể đều được các em nghe rất say sưa, nhất là học sinh tiểu học. Dù đã kết thúc phần thuyết minh, các em vẫn cố chạy theo để hỏi thêm các thông tin. Mỗi lần như thế, tôi lại nán lại, bằng nhiều cách kiên trì giải thích để các em hiểu thêm về lịch sử”, anh Lệ nói.
Bên cạnh vô vàn câu chuyện xúc động về các đoàn khách hành hương Ngã ba huyền thoại, những người làm công tác thuyết minh ở đây còn rất cảm kích trước tấm lòng của du khách muôn phương. Đã có hàng trăm bài thơ, hàng nghìn bức thư được du khách gửi đến Ban Quản lý khu di tích, ca ngợi công việc của những thuyết minh viên thầm lặng.
Một bức cách đây 10 năm từ một bạn sinh viên đã được anh Đào Anh Tuân nằm lòng. Trong thư viết: “Thường người ta dùng cưa, đục để làm nên bức tượng thì ở đây các anh đã dùng lời nói, cử chỉ, hành động để tạo nên bức tượng vô hình. Bức tượng đó sẽ hằn sâu vào trái tim của mỗi thanh niên để chúng em lấy đó làm điểm tựa, niềm tin, từ đó ra sức học tập, xây dựng đất nước”.
Với anh Tuân và đội ngũ thuyết minh viên, mỗi một lời động viên, lời khen của những du khách là những món quà tinh thần vô giá. Những tình cảm đó tiếp thêm động lực cho các thuyết minh viên không ngừng trau dồi nghề nghiệp, góp phần quảng bá hình ảnh Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đến khách muôn phương.
Anh Phan Công Lệ cho biết: Thuyết minh viên không đơn thuần chỉ là truyền đạt thông tin đến mà phải kể chuyện bằng trái tim. Dù làm việc 5 năm hoặc có kinh nghiệm gần 20 năm nhưng mỗi ngày chúng tôi vẫn luôn cố gắng trau dồi kiến thức, cố gắng “thổi hồn vào lịch sử” để những câu chuyện lịch sử khô khan trở nên sống động, chạm đến trái tim mỗi một du khách.