Ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Thiếu tướng Lưu Xuân Cải - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 3, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hải Phòng vẫn giữ được dáng vẻ nhanh nhẹn. Gương mặt cương nghị, giọng nói hào sảng, ở ông toát lên bản lĩnh của người lính “cụ Hồ” từng trải qua chiến trận. Câu chuyện ông kể về cuộc chiến ở thành cổ Quảng Trị năm nào vẫn hiện ra đầy sống động.
Thiếu tướng Lưu Xuân Cải (SN 1954) sinh ra và lớn lên ở phường An Hưng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Năm 1971 giữa lúc tuổi 17 phơi phới sức xuân với nhiều hoài bão ước mơ, chàng trai trẻ Lưu Xuân Cải xung phong lên đường nhập ngũ. Dù chưa đủ tuổi, nặng có 49kg, nhưng trái tim tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu đời, người lính trẻ xốc ba lô trên vai, đứng vào đoàn quân Nam tiến...
Trong không gian phòng học hiện đại, đa chiều của Trường THPT Hồng Bàng (quận Hồng Bàng) xung quanh là các em học sinh, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải chậm rãi hồi tưởng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Ông tự hào kể, khi ước nguyện tòng quân thành hiện thực, ông được huấn luyện tại Trung đoàn 5 Yên Tử - được mệnh danh là “Trung đoàn huyền thoại”. Bởi, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người lính thuộc các tỉnh duyên hải Bắc Bộ được huấn luyện ở đây đều lập lên những chiến công vang dội, đến nỗi kẻ thù khiếp sợ gọi tên Yên Tử là “Trung tâm đào tạo biệt kích của Việt cộng”.
Sau thời gian huấn luyện gian khổ, tháng 6/1972, Lưu Xuân Cải cùng đồng đội hành quân vào chiến trường, được biên chế vào Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 312 anh hùng. Đơn vị tập kết ở làng Như Lệ, xã Hải Lệ, nay thuộc thị xã Quảng Trị. Từ làng Như Lệ, đơn vị vượt sông Thạch Hãn đột nhập vào Thành cổ dưới hỏa lực dày đặc của địch.
Hành trang mang theo bên mình của người chiến sĩ trẻ không chỉ có ba lô, vật dụng cá nhân mà còn có tình yêu thương của người mẹ già nơi quê nhà. Ông nhớ như in lời căn dặn của mẹ: “Con cố gắng phấn đấu vì dân, vì nước, phải theo được bằng anh, bằng em…”. Cả cuộc đời binh nghiệp, lời động viên của mẹ là động lực để ông tạm gác nỗi nhớ nhà, cùng đồng đội vượt khó, quyết chiến với quân thù.
Thiếu tướng nhắc nhớ về làng Như Lệ, quê hương thứ hai của ông với tình cảm đong đầy. Giọng ông trầm ngâm, ánh mắt xa xăm: “Người dân ở đó gian khổ lắm, nhưng họ tốt với bộ đội cách mạng vô cùng…”.
Ký ức cuộc chiến đấu cam go nơi Thành cổ Quảng Trị ngày ấy như hiện hữu nguyên vẹn trong trí nhớ người lính già. Cả căn phòng như im lặng, các em học sinh và khách mời đều hướng về ông với mong muốn được ngồi lên con tàu vượt thời gian cùng người chiến sĩ trở về thăm chiến trường năm ấy.
Kể về lần vượt sông đầy gian nan nguy hiểm, ông trầm giọng, ngậm ngùi: “Có những trung đội 20 - 30 người, ra đến giữa dòng thì bị máy bay địch phát hiện, bắn xối xả, sang đến bờ kia chỉ còn lại 9-10 người. Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông sâu thẳm… có lúc máu người lính nhuộm đỏ một khúc sông…”. Giọng ông chùng xuống. Ông bùi ngùi đọc lại những câu thơ bất hủ viết về dòng Thạch Hãn: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm…”.
Chỉ khi trực tiếp tham gia chiến đấu nơi chiến trường ác liệt, chiến sĩ Lưu Xuân Cải mới nhận ra và thấm nhuần phương pháp huấn luyện, kỹ năng đào hầm, sử dụng vũ khí, chiến thuật vận động tấn công, vượt sông… khi ở Yên Tử hữu dụng thế nào. Đó là định hướng chiến lược trong huấn luyện quân chuẩn bị sẵn cho cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị. Chính những ngày tháng gian truân trên thao trường đã giúp người lính cụ Hồ được tôi luyện bản lĩnh, kỹ năng chiến đấu với mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ.
Thầy Phạm Hoàng Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Bàng chia sẻ: Có lẽ, không một trang sách, câu chuyện hay áng văn thơ nào có thể lột tả được chân thực “Khúc tráng ca Thành cổ” bằng người lính trực tiếp tham gia chiến đấu - Thiếu tướng Lưu Xuân Cải. Chính vì thế, để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhà trường rất coi trọng những bài dạy lịch sử từ nhân chứng sống tại chiến trường năm ấy.
Tháng 8/1972, tròn 18 tuổi, chiến sĩ Lưu Xuân Cải đã trực tiếp tham gia tại tâm điểm ác liệt nhất của cuộc chiến. 81 ngày đêm bám trụ ở Thành cổ Quảng Trị và “Mùa hè đỏ lửa” ấy đã đi vào lịch sử chiến tranh thế giới với mức độ tàn khốc vô cùng, nhưng đó là bản hùng ca bất diệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong những trận đánh khốc liệt ấy, quân ta thương vong nhiều, bản thân ông Cải cũng bị 3 vết thương, nhiều lần ngất đi, nhưng khi tỉnh lại, ông tiếp tục chiến đấu. Vết thương nặng nhất là bị mảnh pháo phạt vào vùng đầu. Do mất máu nhiều, ông kiệt sức, bất tỉnh. Đồng đội thấy tim ông ngừng đập, đau đớn ngỡ ông đã hy sinh, chuẩn bị đưa đi chôn với khoảng 10 liệt sĩ khác. Nhưng trận mưa xối xả khiến ông tỉnh lại và được đồng đội chuyển đến bệnh viện dã chiến cấp cứu. May mắn ông đã sống lại.
Sau cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị, người lính Lưu Xuân Cải tiếp tục tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy. Người mẹ già ở quê đợi chờ héo hắt đến một ngày khóc cạn nước mắt khi nhận được tin con đã hy sinh. Cụ lập bàn thờ con trai cùng tấm bằng “Tổ quốc ghi công” ghi ngày ông hy sinh 8/8/1972.
Khi Hiệp định Paris được ký kết, tháng 3/1973 quân Mỹ bắt đầu rút khỏi miền Nam, ông được ra Hà Nội báo cáo thành tích và được thưởng mấy ngày phép về quê.
Trong gian nhà nhỏ, người mẹ già cô đơn lẻ bóng, lụi cụi vào ra đã nguội tắt niềm hy vọng về ngày trở về của đứa con trai yêu quý. Bỗng một đêm tối trời, nghe tiếng động lạ ngoài sân, bà hỏi vọng ra: “Ai đấy?”. Nghe rõ tiếng thưa: “Mẹ ơi! Con Cải đây”, mà bà không tin vào tai mình, lại lặp lại câu hỏi: “Ai đấy?”, “Con Cải của mẹ về đây!”. Dù ông trả lời mấy lần nhưng bà vẫn không dám tin rằng đứa con ngày đêm mong nhớ đang hiện hữu trước mắt mình mà cứ ngỡ “hồn ma” của con trai về thăm mẹ, nên lập cập ra bàn thờ thắp hương.
Chỉ đến khi ông bước vào nhà, dưới ánh sáng le lói của ngọn đèn dầu, bà mới nhìn thật kỹ và sờ nắn khắp người ông. Sau một hồi tĩnh lặng, bà mới dám tin đó là cậu con trai Lưu Xuân Cải của mình bằng da, bằng thịt. Khi hàng xóm láng giềng ùa đến hỏi thăm, chia vui, trong nỗi hạnh phúc tột cùng, bà hạ bức ảnh thờ của con trai cất đi.
Trở về quê hương, ông Cải được phân công công tác ở Quân khu 3. Ông đảm nhận vị trí Sư đoàn trưởng Sư đoàn 350, rồi Phó Tham mưu trưởng Quân khu 3 cho đến tháng 5/2015 thì nghỉ hưu sau 45 năm phục vụ quân ngũ.
Giờ đây, với cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng, ông vẫn cùng đồng đội tích cực tham gia các hoạt động, góp phần vào sự phát triển của thành phố.