Qua lấy mẫu cua nuôi bị chết gửi đi phân tích, kết quả từ Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu, cua chết có ký sinh Zothamium spp, sự hiện diện của giáp sát chân đều, ký sinh trùng và sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus..., lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau cho biết.
Cơ quan chuyên môn lấy mẫu cua chết đưa đi xét nghiệm. |
Hiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn tăng cao, đây là điều kiện để các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh trên cua phát triển, dự báo thời gian tới diện tích cua chết sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi hiện nay chưa có kết quả nghiên cứu chính thức giải pháp phòng, trị bệnh trên cua thương phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau khuyến cáo người nuôi cua cần thu hoạch ngay số cua còn lại trong vuông có cua bệnh để hạn chế thiệt hại. Không nên thả thêm con giống vào thời điểm này.
Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường để kịp thời cấp thêm nước vào vuông nuôi nhằm hạn chế nhiệt độ và độ mặn tăng cao.
Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong quản lý sức khỏe cua nuôi. Đối với các con cua bị chết, hộ nuôi phải thu gom lại rồi đem chôn, xử lý bằng vôi nóng để hạn chế mầm bệnh lây lan. Tuyệt đối không được vứt cua chết ra sông rạch dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân nên thu hoạch số cua còn lại trong vuông có cua bệnh. |
Trước tình hình cua chết diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngày 26/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Huỳnh Quốc Việt đã ký văn bản hỏa tốc gởi các đơn vị, địa phương đề nghị khẩn trương kiểm tra, tìm giải pháp khắc phục, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó có cua nuôi một cách hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại.
Riêng Sở Khoa học và Công nghệ, nghiên cứu, triển khai thực hiện đề tài, giải pháp khắc phục cua nuôi bị chết và các đề xuất có liên quan, báo cáo về UBND tỉnh trong tháng 3/2024.