Tập Truyện Tây Bắc, tiêu biểu nhất là Vợ chồng A Phủ đã khẳng định tài năng và tâm huyết của nhà văn Tô Hoài về đề tài miền núi.
Đời văn Tô Hoài, người yêu chữ nghĩa không chỉ nhớ mãi Dế Mèn phiêu lưu kí một trong những truyện hay nhất viết cho thiếu nhi mà còn nhớ đến dấu ấn Tây Bắc trong văn xuôi của ông.
* * *
Làm nên sức sống của truyện là nhân vật Mị, cuộc đời éo le nhưng càng nghịch cảnh cô càng khát sống và vươn tới sống đúng nghĩa chứ không chỉ là tồn tại. Cô Mị là hình tượng nhân vật trung tâm làm nên hoa thơm trái ngọt cho cây Vợ chồng A Phủ. Cô là hiện thân của người phụ nữ miền núi trong hành trình đi từ bóng tối đến ánh sáng. Truyện kể về cô Mị trẻ, đẹp, có tài thổi sáo, rất mực hiếu thảo.
Vì nhà nghèo mắc nợ nhà giàu nên cô bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Từ khi về làm dâu cô sống đời thân trâu kiếp ngựa đến trơ lì và vô cảm. Mùa Xuân đến, trước không khí ngày tết đẹp và vui cô hồi sinh sức sống tiềm tàng. Nhưng bị A Sử vùi dập. Mùa Đông đến, cô chứng kiến A Phủ bị trói đứng, thương anh cô giải cứu cho anh và cùng anh chạy trốn, cùng theo cách mạng đổi đời ở Phiềng Sa.
* * *
Truyện ngắn do đặc điểm dung lượng ngắn nên mỗi câu văn như một cái đinh để nhà văn treo lên đó những bức tranh, mỗi bức tranh là một thông điệp. Ý nói, từng chi tiết trong tác phẩm đều có dụng ý. Hay nói như Bielinxki nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng “Chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm”.
Quả đúng, câu văn đầu truyện Vợ chồng A Phủ (VCAP) đã gây tò mò cho độc giả. Cả đoạn đầu giới thiệu về cô Mị khi về làm dâu gạt nợ cho nhà giàu mà tham, mà ác. Câu mở đầu: “Ai ở xa về có dịp qua nhà thống lí Pá Tra đều thấy một cô Mị ngồi quay sợi gai, bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Nhân vật Mị được Tô Hoài giới thiệu như đồ vật: Đặt cô ngang hàng với sợi gai, với tảng đá, với cửa và chuồng ngựa. Nghệ thuật, như chúng ta biết vừa có nghĩa bề mặt vừa có tính biểu tượng. Việc đặt Mị lẫn với nhiều đồ vật cả con vật ẩn dụ cho đời Mị có số phận éo le, bị vật hóa.
Câu văn thứ hai đã hé mở điều gì đó trong nghĩa biểu tượng ấy: “Lúc nào cùng vậy dù quay sợi gai, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Nếu câu đầu giới thiệu vị trí ngồi của mị xen lẫn giữa đồ vật con vật khiến Mị xuất hiện thảm thương thì câu văn giới thiệu nét mặt của Mị hé lộ chân dung Mị. Cô buồn, cô khổ, cô đau, cô tủi, cô hờn, cô uất. Nếu là vậy đã đỡ buồn. Vì cô còn biểu cảm. Còn biểu cảm là còn sống.
Không, thảm hơn thế: Mặt Mị buồn, cúi. Nét mặt là tâm hồn. Chân dung ấy là một đời nhục nhằn đến buông xuôi, đến bi lụy và nhu nhược, đến vô cảm như tảng bê tông, như cái cây trong rừng bị vặt hết lá cành đến trụi giữa gió, nắng đại ngàn. Câu văn hay là câu văn giàu hình ảnh, giàu biểu cảm. Hai câu mở đầu truyện như những câu thơ, hơn cả thơ. Khiến người đọc tò mò đọc tiếp để hiểu vì sao Mị buồn thảm thê như thế. Chức năng của mở bài nói chung, mở đầu truyện nói riêng là giới thiệu và dẫn dắt, là khơi gợi và kích thích trí tò mò.
Tô Hoài đã hoàn thành lời dẫn xuất sắc chỉ với hai câu văn. Cuối mở truyện ta thấy số phận bi thương của Mị: “cô ấy không phải là con gái Pá Tra” mà là “vợ A Sử” – thực ra là cô Mị bị bắt về làm vợ làm cỗ máy làm người hầu để… trả nợ cho nhà giàu mà độc ác và tham lam. Vậy, Mị trong đoạn văn mở đầu truyện là người lao động nghèo phải rơi vào bi kịch làm dâu gạt nợ.
Đoạn văn sử dụng nghệ thuật miêu tả, nhiều phép tu từ: Liệt kê, ẩn dụ, đối lập… nhà văn đã bước đầu dẫn dắt người đọc đi về miền núi Tây Bắc đầy phong cảnh, văn hóa đặc trưng nhưng cũng tồn tài nhiều hủ túc chôn vùi hạnh phúc bao người. Nhà văn đồng thời dẫn dắt người đọc khám phá đời sống tinh thần và số phận bi thương mà bứt phá ngoạn mục của những người lao động nghèo nơi đây.
Nếu đoạn văn đầu giới thiệu nhân vật và không gian của truyện thì đoạn văn nối tiếp nhà văn giới thiệu phẩm chất đáng quý của con người nói chung, của Mị nói riêng – lòng hiếu thảo. Khi bị ép làm dâu gạt nợ nhà Pá Tra, Mị năn nỉ cha: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương giả nợ thay cho bố, bố đừng bán con cho nhà giàu”. Lời nói này thể hiện Mị là người trưởng thành về nhận thức, có trách nhiệm với gia đình, đáng trân trọng ở lòng hiếu thảo và là một người có lòng tự trọng cao.
Ở tư cách là một con người, Mị là một cá nhân ưu tú: Xinh đẹp, tài năng, giàu lòng hiếu thảo và tự trọng. Trước khi về làm dâu gạt nợ sống đời thân trâu ngựa cô từng có đời sống tự do, có nhiều người theo đuổi “Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”, cô có biệt tài thổi sáo “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê đã ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”.
Với những phẩm chất đó, Mị xứng đáng có tương lai hạnh phúc. Nhưng ở trong xã hội bất công, bọn chúa đất thống trị tham, ác đã biến đời cô trở nên bi thương, cơ cực, cực nhọc và cực nhục. Cô dần trở nên chai sạn, vô cảm. Đây là quãng đời bóng tối của Mị, từ nhánh lan rừng ngát hương giữa đại ngàn đến thân phận bị vùi dập ngập ngụa trong bóng tối.
Nghệ sĩ đích thực là người phát hiện, nâng niu, tái hiện những khuất lấp và bất ngờ. Nhà văn tài ba là người mở đường dẫn lối để người đọc đi đến xứ sở của cái đẹp. Theo chân Tô Hoài, ta nhìn thấy những lấp lánh trong đời đen mịt của cô Mị từ khi mang danh con dâu nhà giàu. Tưởng chừng Mị sẽ mãi ngập ngụa trong quãng đời cơ cực ở Hồng Ngài, nhưng không. Cô có những bứt phá có thể nói là ngoạn mục trong tâm lý và hành động để tự mở lối đi trong đời làm dâu tăm tối của mình. Nhà văn dẫn lối người đọc đi trên con đường thức tỉnh của Mị ra sao?
* * *
Ở Tây Bắc, bản Hồng Ngài người ta có tục ăn Tết khi mùa xong: “Hồng Ngài năm ấy, ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe ra như con bướm sặc sỡ… đám trẻ con đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà”. Không khí đợi Tết, cảnh ngày gần Tết, tiếng cười của trẻ con là những vitamin, những liệu pháp “giả dược” giúp Mị hồi sinh sức sống.
Màu sắc và âm thanh vui vẻ của trẻ con làm sống lại, đâm chồi, nảy lộc, nở hoa, tỏa hương thơm mãi trong tâm hồn Mị - thứ sức sống đã có trước khi cô về nhà Pá Tra. Bao nhiêu năm làm lụng vất vả đã lụi tàn nhan sắc, quên bẵng niềm hạnh phúc khoe tài thổi sáo, bao nhiêu năm làm dâu là bấy nhiêu năm mòn mỏi đến cạn kiệt. Mị như cây xanh bị khô héo thiếu vitamin dưỡng chất, thiếu nước và ánh sáng, xíu nữa thì gục xuống. Âm thanh tiếng trẻ con chơi cười ầm và màu sắc cỏ gianh ửng vàng, váy hoa thổ cẩm sặc sỡ đã thổi bùng lên sức sống ngầm ẩn trong Mị.
Nếu cô là cái cây héo giữa đại ngàn thì âm thanh màu sắc đó chính là cơn mưa, tái sinh cô lần này. Là ân nhân của cô. Âm thanh quan trọng nhất để nâng bổng tâm hồn Mị dìu cô từ thân héo nở hoa tỏa hương phải là tiếng sáo: “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo gọi bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”.
Mị đang ở nhà Pá Tra, đang làm việc, đang bị “giam lỏng” ở đó, một nơi “địa ngục trần gian”. Ta hình dung cô đang làm việc với nét mặt “buồn rượi rượi” như đoạn đầu nhà văn đã miêu tả. Cô vô cảm. Nhưng khi nghe âm thanh thiếng sáo, cô tỉnh lại, cô vui, môi cô nhoẻn cười, mắt cô long lanh, trái tim cô như đang khiêu vũ muốn nhảy vọt ra ngoài lồng ngực. Vì sao thế? Chỉ là tiếng sáo thôi mà. Nhưng tiếng sáo là tiếng lòng Mị, tiếng sáo ấy ở xa tít ngoài núi nhưng cô vẫn lắng tai nghe. Nó đánh thức cô sống lại với quá khứ đáng sống: Trẻ, xinh, có người theo đuổi, có tài thổi sáo.
Tiếng sáo được miêu tả trở đi trở lại trong đêm mùa Xuân, khi thì “thiết tha bổi hổi”, “rập rờn”, “văng vẳng”, lúc lại “lửng lơ”… 5 từ láy được Tô Hoài dùng để tả tiếng sáo. Đây là âm thanh biểu tượng. Nó biểu tượng cho sức sống trong lòng Mị đang như ngọn lửa vừa được cời lên, gặp gió và ngọn lửa ấy được đà thổi lên thành bếp lửa. Lòng của Mị là lửa. Tiếng sáo thổi bùng ngọn lửa tuổi trẻ, tình yêu, đam mê, hạnh phúc, tự do trong Mị. Cô từng có nhưng giờ chỉ còn là kí ức, có chăng nữa là ước mơ.
Lời bài hát nói lên khát vọng được sống, được yêu của Mị: “Ta chưa có con trai con gái/ Ta đi tìm người yêu”. Cô gái có chồng muốn đi tìm người yêu vừa thể hiện bi kịch hôn nhân gạt nợ vừa nói lên kháo khao tình yêu tự do trong lòng Mị. Tài tình thứ nhất của Tô Hoài là dùng chính tài năng – tài thổi sáo của Mị để hồi sinh sức sống trong lòng cô.
Tài năng thứ hai của nhà văn trong đoạn này là thuật diễn văn đầy chất thơ, chất nhạc. Trong mạch tự sự văn xuôi xen đoạn thơ, tiếng nhạc làm cho trang văn như trang thơ, bồng bềnh. (Đây cũng là nghệ thuật trong văn hóa Tết của miền Tây Bắc cần được gìn giữ.) Nhờ đó diễn tả thành công sự hồi sinh sức sống trong lòng Mị.
Sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa Xuân không chỉ thể hiện qua thanh âm tiếng sáo mà còn thăng hoa trong chất xúc tác là rượu. Ngày Tết Mị cũng uống rượu “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát”. Từ “lén” nói lên Mị uống trộm. Người ta không cho Mị uống. Vậy đây là hành động phản kháng, hành động bảo vệ quyền con người, đòi tự do. Cách cô uống “Ực” từng bát. Đây cũng là cách uống phản kháng.
Dường như cô muốn suy để quên đi hiện thực thân phận tôi tớ mất tự do, không lẽ sống khi bị “trình ma nhà nó rồi”. Rượu là nhịp cầu nối cô lại mới quá khứ đầy sức sống. Giúp cô ý thức được quyền con người của mình: “Mị thấy lòng phơi phới trở lại”, “Mị muốn đi chơi”... Cô còn thức tỉnh thực trạng cuộc hôn nhân của mình với A Sử: “Không có lòng với nhau vẫn phải ở với nhau”. Cách nói của người miền núi “không có lòng” nghĩa là không có tình yêu.
Mị nhận ra bi kịch của mình - thân làm dâu gạt nợ. Nếu yêu nhau mà không đến được với nhau là bi kịch thì không yêu nhau mà vẫn phải ở với nhau là đại bi kịch. Mị nhận ra mình đang ở trong tấn trò đời dằng dặc. Nhờ rượu mà cô có dũng khi để lật lại những trang tăm tối đời mình chỉ có màu đen rồi tìm cách tô màu cho những trang đời ấy. Ý thức trở về cô càng thấy vô nghĩa của phận làm dâu ở đây. Do đó, lần thứ ba - từ khi làm dâu gạt nợ cô nghĩ đến cái chết: “Nếu có nắm lá ngón trong tay… Mị sẽ ăn cho chết ngay”.
Ý muốn tự tử bằng lá ngón lần này lại thể hiện lòng khát sống. Cô Mị muốn chết là đang muốn sống đời đáng sống: Có tuổi trẻ, muốn đi chơi Tết một cách tự do, muốn uống rượu và thổi sáo, muốn có tình yêu tự chọn và được hạnh phúc. Điều này thể hiện cô ghét đến căm thù hiện thực bị mất tự do, bị lao động khổ sai như thân trâu kiếp ngựa, phải hầu hạ người mình khinh ghét… còn bị đánh đập vô cớ một cách tàn nhẫn. Tất cả những diễn biến tâm lý này:
Từ nhận ra tài năng của mình đến nhận ra giá trị và quyền sống của mình, nhận ra khát vọng tình yêu và bi kịch của mình đã minh chứng Mị đã hồi sinh sức sống. Sức sống tiềm tàng, phức tạp, nhưng tinh vi và hợp lý, tất cả được Tô Hoài tái hiện một cách thành công. Giúp ta hiểu ẩn sau con người bị đọa đày đến tê liệt kia là một trái tim đang hồng đỏ nhịp đời khát sống, yêu tự do. Điều này đáng trân trọng.
_______________________
(Kỳ 2: Vươn ra ánh sáng)