Trần Thanh Tùng và tác phẩm trong ngày Hội thơ Lục bát Việt Nam năm 2019. Ảnh: NVCC |
Cuộc sống hiện đại với bao áp lực, lo âu, trắc trở đã khiến không ít người gặp phải vấn đề khó khăn về tâm lý trong giao tiếp, ứng xử và xử lý các tình huống trong đời sống xã hội. Những kỹ năng sống đã trở thành tối cần thiết cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, nhất là đối với trẻ em. Nắm bắt và hóa giải các yếu tố đó là cả một vấn đề, đòi hỏi những kiến thức chuyên ngành cần được áp dụng một cách phù hợp và Trần Thanh Tùng đã làm tốt công việc đó.
Bằng trái tim và nhiệt huyết của mình, Trần Thanh Tùng đã tham gia đào tạo kỹ năng cho học sinh nhiều trường ở Hà Nội. Tại các lớp đào tạo kỹ năng sống cho học sinh, Tùng gợi mở các vấn đề cho trẻ em để phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, tìm tòi và học hỏi các kỹ năng thiết yếu, kỹ năng học tập và những kỹ năng phát triển. Học mà chơi, chơi mà học, các học sinh đã yêu quý và gắn bó với thầy, từ lúc nào không biết.
Tùng tâm sự “Niềm vui của người thầy là luôn được học sinh nhận ra và chào đón”. Có lần, khi vào dạy một lớp mới học ở Trường Tiểu học Khương Mai, Tùng hỏi: “Các con đã biết thầy chưa nhỉ?” – để gợi mở cuộc nói chuyện và bài học với học sinh. Một học sinh đứng lên bảo: “Có ạ! Thầy là thầy Tùng dạy lớp anh con ở tầng 3 ạ! Anh ấy bảo thầy hay cho hoạt động, trò chơi ạ!”. Mỗi lần thầy Tùng đi qua hành lang, một học sinh nhìn thấy reo lên: “A, thầy Tùng!” cũng khiến cho học sinh của lớp nhao nhao. Cảm giác hạnh phúc ấy theo Tùng khi anh đến giảng dạy ở các trường như: Trường liên cấp Vinschool, Trường Ban Mai, Trường Tiểu học Khương Mai, Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc, Hạ Đình…
Bên cạnh đó, Trần Thanh Tùng còn tham vấn, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho hàng trăm người ở nhiều nơi, với đủ các thành phần, nghề nghiệp khác nhau và can thiệp, điều trị các vấn đề về tâm lý như: Sang chấn tâm lý, stress, tự kỷ, trầm cảm… cùng nhiều vấn đề phức tạp hơn khác. Anh cũng đồng hành hỗ trợ tâm lý cho hơn 200 trường hợp, không chỉ ở Hà Nội mà còn có nhiều người ở nhiều địa phương tới nhờ anh can thiệp, giúp đỡ.
Một kỷ niệm mà Trần Thanh Tùng nhớ mãi đó là lần được phụ huynh mời can thiệp tâm lý cho con trai hơn 4 tuổi có biểu hiện hạn chế trong giao tiếp, tính nết cục cằn, lì lợm, kể cả với bố mẹ. Khi tiếp cận với em H., Tùng chưa giao tiếp được với em. Nửa tiếng trôi qua giữa tiết trời mùa đông giá lạnh, thầy mướt mồ hôi với các hoạt động và học cụ đặc biệt mà vẫn chưa thể vào trong vòng an toàn của em.
Nhận định nhiều hơn về em, Tùng cởi chiếc áo khoác đang mặc, cho em H. ngồi vào rồi chơi trò “kéo mo cau” kéo em đi khắp nhà. Bé H. ban đầu thấy lạ hơi sợ rồi tỏ ra thích thú và hưởng ứng. Thấy vậy, thầy Tùng kéo em đi 4 - 5 vòng. Cứ khi dừng lại bé H. ra hiệu cho Tùng kéo đi tiếp. Thế là thầy trò lại có thêm những thời gian vui vẻ cùng nhau. Trò chơi đó khiến cậu bé khoái chí vô cùng. Tiếng cười như nắc nẻ của bé H. khiến bố mẹ em ở ngoài phòng đang dùng điện thoại quay diễn biến tâm lý của con trào rơi nước mắt. Những tháng sau, bé H. trở lại là một cậu bé bình thường suốt ngày nói cười vui vẻ với cha mẹ và bạn bè ở trường mầm non.
Khi được hỏi về niềm vui trong công việc của mình, Trần Thanh Tùng nở nụ cười tươi và khiêm tốn đáp: “Tôi luôn mang trong mình trái tim của một nhà giáo. Tôi rất vui và tự hào vì đã góp phần mang lại niềm vui và hạnh phúc cho các gia đình và các em học sinh để nụ cười của họ luôn thắp sáng những ước mơ và làm đẹp cho đời”.