Người thầy đặc biệt của đồng bào Cao Lan

22/11/2023, 09:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ông Sầm Văn Lợi dành nhiều thời gian để tìm hiểu, lưu giữ và truyền dạy chữ viết, văn hóa truyền thống dân tộc Cao Lan...

Ông Lợi chia sẻ: “Được học chữ Hán - Nôm từ năm 11 tuổi, tâm niệm của tôi là tiếp tục truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho thế hệ sau để gìn giữ văn hóa người Cao Lan. Sau khóa học, thành viên không chỉ có thêm vốn từ còn biết các bài cúng ngày rằm, lễ để phục vụ gia đình”.

Lớp học của ông Lợi được tổ chức ngay tại khoảnh sân trước nhà. Vào dịp Hè, nhiều học sinh đến học. Lớp thứ 2 dành cho người lớn có nhu cầu học chữ. Hiện, lớp người lớn có 12 thành viên, độ tuổi từ 25 - 65. Theo ông Lợi, để gìn giữ văn hóa dân tộc, các gia đình phải trở thành nơi lưu giữ và duy trì ngôn ngữ. Cha mẹ chính là người giúp các con hiểu biết văn hóa, khơi dậy lòng tự hào, lấy ngôn ngữ dân tộc làm gốc.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Sầm Văn Lợi còn cho biết: “Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và truyền dạy chữ viết, văn hóa truyền thống ông cha, góp một phần công sức nhỏ bé vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Là thành viên của lớp, hằng ngày, ông Trần Văn Tỵ, 60 tuổi dành 2 tiếng buổi tối để học chữ. Ban đầu, việc học khó khăn bởi đây là hệ chữ ghép không thể đánh vần như chữ phổ thông. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông Lợi, từ buổi học thứ 5 trở đi, ông Tỵ dần bắt nhịp với cách học.

Lớp học của ông Lợi còn có nghệ nhân Hoàng Giang Lâm. Ông Lâm hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới, xã Quang Yên (Sông Lô, Vĩnh Phúc).

Chia sẻ về lớp học, ông Lâm cười nói: “Tôi là lớp trưởng, dù 62 tuổi nhưng chưa già nhất lớp. Đây không phải lần đầu tôi học nhưng bởi chữ Hán - Nôm khó, học chữ nào biết chữ đó nên phải tiếp tục học thêm để biết nhiều chữ mới. Trên lớp, ông Lợi giảng dạy bắt đầu từ bài giáo lý, đến đạo đức, lối sống; dạy học trò theo sách giáo trình có nội dung từ đơn giản đến phức tạp. Thầy sử dụng phương pháp trực quan, giảng giải và đàm thoại... để học trò dễ hiểu và học”.

“Dù nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền nhưng mới dừng ở mức động viên tinh thần. Do đó, để bảo tồn và phát huy văn hóa người Cao Lan, tôi mong các cấp tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để lớp học phát triển lâu dài, thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”. - Ông Hoàng Giang Lâm (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới, xã Quang Yên)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-thay-dac-biet-cua-dong-bao-cao-lan-post661759.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-thay-dac-biet-cua-dong-bao-cao-lan-post661759.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người thầy đặc biệt của đồng bào Cao Lan