Người thầy nặng lòng với ngôn ngữ Bru - Vân Kiều

Đăng Đức | 17/04/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mong muốn bảo tồn, phổ biến ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào Vân Kiều, thầy Hồ Quang Tuyến đã tích cực tham gia biên soạn tài liệu và dạy chữ...

Với hiểu biết và kinh nghiệm truyền thụ tiếng nói, chữ viết Bru - Vân Kiều, thầy Tuyến được Sở GD&ĐT Quảng Trị điều động tham gia Hội đồng bộ môn tiếng Bru - Vân Kiều. Cũng từ đó, ý tưởng truyền dạy để bảo tồn tiến tới phổ biến tiếng Bru - Vân Kiều được lan tỏa trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều.

Từ chủ trương của ngành Giáo dục, các cấp các ngành ở Quảng Trị, những lớp học tiếng Bru - Vân Kiều liên tục được khai giảng. Cán bộ ở các Sở, ban, ngành cấp tỉnh hoạt động vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cử đi học tiếng Bru - Vân Kiều. Sau đó, những lớp học dành cho công chức, viên chức các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh… cũng được triển khai. Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức, mà những học sinh và người dân địa phương nếu có nhu cầu tìm hiểu cũng được thầy Tuyến hỗ trợ, dạy chữ Vân Kiều.

Thời gian qua, thầy Tuyến đã tham gia chỉnh sửa, biên soạn các tài liệu quan trọng liên quan đến ngôn ngữ Bru - Vân Kiều như: Tài liệu giảng dạy cho học sinh người Bru - Vân Kiều trong các trường học; bồi dưỡng tiếng Bru - Vân Kiều dành cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng dân tộc, miền núi tỉnh Quảng Trị.

Theo thầy Hồ Quang Tuyến, việc tham gia biên soạn tài liệu và dạy chữ Vân Kiều mang nhiều ý nghĩa.

Lo lắng ngôn ngữ của dân tộc Vân Kiều dần bị mai một, thầy Tuyến mong muốn Nhà nước có chính sách đưa chương trình dạy tiếng Vân Kiều vào các trường dân tộc nội trú, trường bán trú, lồng ghép dạy văn hóa của đồng bào. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần được tập huấn phong tục tập quán, văn hóa Vân Kiều. Về tài liệu giảng dạy cũng cần được biên soạn phù hợp với đối tượng cán bộ, vì tài liệu dạy tiếng Vân Kiều hiện nay được đánh giá khá nặng. Đối với học sinh cũng cần có tài liệu dạy theo từng cấp học.

Ngoài việc giảng dạy, thầy Hồ Quang Tuyến cũng sưu tầm các loại nhạc cụ dân tộc. Thầy đã tự làm các loại nhạc cụ: Đàn ta lư, sáo trúc, đàn bót... Thầy tích cực tham dự các cuộc thi sáng tạo thiết bị giảng dạy, các hoạt động văn hóa do ngành Giáo dục và địa phương tổ chức. Thầy Tuyến ấp ủ dự định sẽ phối hợp thực hiện giới thiệu văn hóa dân tộc Bru - Vân Kiều thông qua mạng xã hội. Qua đó, lưu giữ những nét đẹp cho thế hệ sau hiểu hơn về cội nguồn, khơi dậy ý thức, tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống dân tộc.

Thầy Trần Ngọc Oanh - Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT huyện Vĩnh Linh cho biết: Thầy Tuyến là người con của đồng bào Vân Kiều. Trong quá trình công tác, giảng dạy, thầy Tuyến được đánh giá là giáo viên có năng lực rất tốt, nhiệt tình, năng động. Hơn nữa, thầy Tuyến am hiểu phong tục tập quán, lối sống của bà con Vân Kiều nên có nhiều thuận lợi để tuyên truyền, vận động phụ huynh và quản lý học sinh tại trường. Trước đây, thầy Tuyến là Tổng phụ trách Đội.

Thầy Tuyến đã sáng tạo và tổ chức các hoạt động phong trào sôi nổi. Sau này, khi có giáo viên làm Tổng phụ trách Đội nên thầy làm công tác giảng dạy. Hiện tiếng Vân Kiều chưa được đưa vào giảng dạy trong các trường học. Tuy nhiên, vừa qua nhà trường cũng đề nghị thầy Tuyến xây dựng Câu lạc bộ để dạy tiếng Vân Kiều cho học sinh. Thông qua các hoạt động giao lưu, sinh hoạt thì các em học sinh sẽ biết thêm tiếng và chữ viết của dân tộc mình.

Thầy Tuyến tâm sự: Việc phổ biến ngôn ngữ Vân Kiều hiện nay còn hạn chế. Trong khi đó, giới trẻ ngày nay dường như không hiểu chữ viết của dân tộc mình. Tôi là một người con của đồng bào Vân Kiều, được học tập chu đáo và công tác trong ngành Giáo dục. Do đó, tôi luôn mong muốn bảo tồn tiếng nói, chữ viết, cao hơn là bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào mình.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-thay-nang-long-voi-ngon-ngu-bru-van-kieu-post634705.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-thay-nang-long-voi-ngon-ngu-bru-van-kieu-post634705.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người thầy nặng lòng với ngôn ngữ Bru - Vân Kiều