Hành trình phục dựng và trao ảnh của nhóm Skyline tạo ra một làn sóng cảm xúc mạnh mẽ trong giới trẻ.
Không chỉ gây tiếng vang trong cộng đồng những người quan tâm đến lịch sử và hoạt động thiện nguyện, hành trình phục dựng và trao ảnh của nhóm Skyline còn tạo ra một làn sóng cảm xúc mạnh mẽ trong giới trẻ.
Nguyễn Mai Trang, sinh viên năm thứ hai ngành truyền thông tại một trường đại học ở Hà Nội vẫn còn nguyên cảm xúc khi kể lại lần đầu xem những tư liệu về quá trình phục dựng ảnh của các bạn trẻ Skyline: “Tôi tình cờ lướt thấy video trên Facebook, ban đầu chỉ nghĩ là một clip cảm động thông thường về tình cảm gia đình.
Nhưng khi xem đến đoạn một người mẹ già, mái tóc bạc phơ, run run đưa tay đón lấy bức ảnh người con trai liệt sĩ đã được phục dựng rõ nét, rồi bà bật khóc nức nở, tôi thực sự không cầm được nước mắt. Nó quá chân thật và chạm đến trái tim bất kì người con Việt Nam máu đỏ da vàng nào”.
“Trước đây, đối với tôi, hai từ ‘liệt sĩ’ hay ‘chiến tranh’ thường gắn với những bài học lịch sử, tượng đài trang nghiêm, có phần hơi trừu tượng. Nhưng những tư liệu này, với những hình ảnh cụ thể của một con người, một gia đình, đã làm tôi cảm nhận sâu sắc nỗi đau mất mát, sự hy sinh thầm lặng và cả niềm hạnh phúc vỡ òa khi ký ức được tìm lại. Tôi vô cùng khâm phục các bạn trẻ trong nhóm Skyline.
Họ không chỉ giỏi về chuyên môn, kỹ thuật mà trên hết, họ còn có một trái tim ấm áp, sự kiên nhẫn đáng nể để làm công việc thầm lặng mà ý nghĩa này. Nó khiến tôi tự hỏi, mình cần làm gì để thể hiện lòng biết ơn với thế hệ cha ông”, Mai Trang chia sẻ thêm.
Cũng chung cảm xúc, anh Ngô Minh Đức, một lập trình viên trẻ tại Hà Nội cho biết, biết đến nhóm Skyline qua chia sẻ của một người bạn. Ban đầu, anh Đức cũng nghĩ đơn giản là sử dụng công nghệ, AI để làm nét ảnh cũ. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn, được nghe chia sẻ cả quá trình khó khăn, tìm kiếm tư liệu, đối chiếu từng chi tiết nhỏ trên khuôn mặt từ lời kể của người thân, rồi cẩn thận ghép lại, anh Minh Đức mới thực sự khâm phục công sức và cái tâm họ đặt vào đó lớn đến mức nào.
“Điều làm tôi ấn tượng nhất là sự kết nối thế hệ mà công việc này tạo ra. Nó không chỉ giúp các gia đình có được di ảnh thờ cúng, mà còn giúp những người trẻ như chúng tôi có cơ hội ‘gặp gỡ’, hiểu hơn về gương mặt, về cuộc đời của những người đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.
Tôi đã chia sẻ video này cho cả gia đình xem, bố mẹ tôi, thậm chí cả ông bà, đều rất xúc động. Rõ ràng, đây là một cách rất thiết thực và nhân văn để lan tỏa tinh thần uống nước nhớ nguồn, thay vì chỉ là những lời nói suông”, anh Ngô Minh Đức nói.
Những chia sẻ chân thành này cho thấy, công việc ý nghĩa của nhóm Skyline không chỉ dừng lại ở việc phục dựng những tấm ảnh cũ, mà còn đang thắp lên ngọn lửa của sự đồng cảm, lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm với lịch sử trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam.
Đáng trân trọng hơn, việc làm ý nghĩa của Skyline không hề đơn độc. Dù lớn lên trong thời bình, thế hệ trẻ hôm nay vẫn nuôi dưỡng một tình yêu nước sâu sắc - không bằng những lời hô hào, mà thể hiện qua từng hành động cụ thể, âm thầm nhưng đầy ý nghĩa. Từ việc tìm hiểu lịch sử qua phim ảnh, sách truyện, đến việc gìn giữ tiếng nói, trang phục, tập tục truyền thống của dân tộc - giới trẻ đang tự tìm cho mình một cách riêng để gắn bó với cội nguồn.
Họ yêu nước bằng việc giữ gìn di sản, sống trách nhiệm với cộng đồng, và tự hào về văn hóa Việt trên các nền tảng toàn cầu. Chính sự tỉnh thức ấy đã và đang tạo nên một làn sóng “trở về” mạnh mẽ: Về với lịch sử, với văn hóa, với những giá trị tưởng chừng đã phai mờ. Tình yêu nước hôm nay không chỉ là chuyện của chiến hào năm xưa, mà là những lựa chọn mỗi ngày để gìn giữ hồn dân tộc trong dòng chảy hiện đại.
Từ những vùng quê yên ả đến các thành phố sôi động, ngày càng có nhiều bạn trẻ đang lặng lẽ góp sức mình vào hành trình bảo tồn ký ức dân tộc theo cách rất riêng và sáng tạo. Có nhóm sinh viên đại học miệt mài sưu tầm, số hóa những tư liệu cổ, giấy tờ thời chiến đang dần mai một tại các thư viện làng xã.
Có bạn trẻ lại lựa chọn tái hiện lại các trận đánh lịch sử hay cuộc sống thời bao cấp thông qua hoạt hình 3D, podcast hay video ngắn trên nền tảng TikTok, YouTube... những hình thức gần gũi, dễ tiếp cận với thế hệ Gen Z.
Tại nhiều trường học và cộng đồng, các buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử, những buổi chiếu phim tư liệu và workshop làm đồ thủ công truyền thống đang được khơi lại với sự tham gia hào hứng của học sinh, sinh viên.
Nhiều bạn trẻ cũng tự nguyện về quê lập dự án “sống cùng văn hóa bản địa”, học cách làm bánh cổ truyền, ghi chép lại câu chuyện dân gian, hay phục dựng lại ngôi nhà cổ của gia đình như một bảo tàng nhỏ để mọi người đến tham quan.
Không ít người trẻ chọn hướng đi đậm chất công nghệ, xây dựng bản đồ di sản, ứng dụng hướng dẫn tham quan các di tích lịch sử bằng AR/VR, tạo kho dữ liệu mở để ai cũng có thể tra cứu nguồn gốc họ tộc, làng nghề, hay các địa danh mang dấu tích cha ông. Một số nhóm khác thì lại tập trung vào ngôn ngữ: Khôi phục từ vựng cổ, dịch văn bản Hán Nôm, làm phụ đề cho phim tài liệu lịch sử, hay mở lớp dạy chữ Nôm online.
Tất cả những nỗ lực đó, dù âm thầm hay sôi nổi, đều đang tạo thành một dòng chảy ngược, không phải để hoài cổ, mà để hiểu rõ hơn về gốc rễ. Hơn cả giá trị lưu giữ, những hoạt động này đang dần định hình lại nhận thức của một bộ phận giới trẻ về bản sắc, lịch sử và trách nhiệm với cộng đồng. Trong một thế giới phẳng, nơi thông tin quốc tế len lỏi vào từng chiếc điện thoại thông minh, việc người trẻ chọn nhìn lại, trân trọng văn hóa dân tộc là điều đáng quý. Đó không chỉ là sự biết ơn, mà còn là sự tự tin bước ra thế giới với bản sắc riêng không thể hòa tan.