Ăn vội, dùng bữa qua loa luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, đường ruột, bệnh béo phì nhưng nhiều người buộc phải ăn vội vì đặc thù công việc như tài xế, công nhân… hoặc cả nhân viên văn phòng. Các chuyên gia cũng nhận định rằng khi ăn vội, cơ thể không kịp đưa tín hiệu đến não cho biết đã đủ no. Điều này dẫn đến người ăn vội, ăn quá nhanh có nguy cơ ăn nhiều hơn nhu cầu cơ thể, dẫn đến khả năng béo phì gấp 3 lần so với người ăn chậm hơn. Người ăn nhanh cũng có tình trạng trào ngược dạ dày cao hơn.
Việc dùng bữa trưa vội khi làm việc là tác nhân dẫn tới rối loạn tiêu hóa
Nhồi bữa tối - Cách tiếp nhận dinh dưỡng sai lầm
Buổi tối, khi mọi người trở về sau một ngày làm việc dài, thường xuyên nhồi nhét thức ăn một cách vội vã, mà không quan tâm đến giá trị dinh dưỡng. Cùng với việc bỏ bữa trong ngày khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải trong một khung thời gian ngắn dẫn tới những rối loạn dạ dày và đường ruột.
Nhồi nhét vào 1 bữa trong ngày không phải là một cách ăn uống khoa học
Có thể thấy, thói quen tưởng chừng như giúp chúng ta có thêm thời gian để làm việc, thì lại khiến cơ thể suy nhược và từ đó hiệu quả của công việc lại bị giảm sút. Hãy quan tâm tới bữa ăn ngay cả khi bản thân rất hối hả bạn nhé!
Hãy chậm lại để nhanh hơn
Thay vì vội vàng, hãy cố gắng kiểm soát thời gian khi dùng bữa để không gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Còn nếu buộc phải ăn vội, bạn nên chọn kích thước bữa ăn từ trung bình đến nhỏ, nhất là các phần thức ăn nhanh vì thường có năng lượng rất cao. Nên chọn món ăn lành mạnh nhiều rau xanh, uống nước lọc hay thức uống không thêm đường, hạn chế đồ chiên xào, dầu mỡ.
Chia nhỏ để nhận được nhiều hơn
Hãy cố gắng chia đều khẩu phần trong ngày của mình thành những bữa nhỏ cách nhau để thức ăn được tiêu hóa một cách hiệu quả. Và khi thức ăn được tiêu hóa tốt trong dạ dày thì nguy cơ bệnh về dạ dày do vi khuẩn gây ra cũng bị hạn chế đáng kể. Ngoài ra, các chứng trào ngược axit, ợ nóng, đầy bụng cũng được giảm hẳn.