'Người trong cuộc' chia sẻ kinh nghiệm xây văn hóa học đường

Phạm Khánh | 15/04/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực tế đòi hỏi người thầy cách ứng xử chuẩn mực để xây dựng văn hóa học đường...

Xây dựng trường học hạnh phúc

Là giáo viên Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú – Định Quán (Đồng Nai), cô Ka Mai vừa giảng dạy môn Địa lý vừa quản lý việc sinh hoạt của học sinh tại trường. Cô Ka Mai được nhiều thế hệ học sinh coi như người mẹ thứ hai bởi đã thay gia đình chăm lo cho các em từ việc học tập đến bữa ăn, giấc ngủ.

Không đồng tình với những hình phạt nặng nề, có tính bạo lực, cô cho rằng, người thầy phải đặt mình vào vị trí của học sinh để tìm phương án giải quyết phù hợp. Nhất là trong trường hợp học sinh rời xa vòng tay cha mẹ, học nội trú thì thầy cô chính là tấm gương để trò soi chiếu.

“Mỗi học sinh một tính cách, năng lực… nên tôi có cách trò chuyện, uốn nắn riêng với từng em. Em nào cá tính, tôi nói chuyện nhẹ nhàng, uyển chuyển. Em nào học giỏi thì liên tục khích lệ, khen ngợi để có động lực cố gắng. Những em nghịch ngợm, tôi tìm hiểu hoàn cảnh để trò chuyện chân thành và định hướng…”, cô Ka Mai cho hay.

Cô Nguyễn Thị Tố Uyên, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên), nhìn nhận, hiện nay, giáo viên gặp nhiều áp lực trong công việc nên cán bộ quản lý cũng cần chia sẻ, cảm thông với đồng nghiệp; phối hợp cùng giáo viên tìm phương pháp giáo dục phù hợp hoàn cảnh.

'Người trong cuộc' chia sẻ kinh nghiệm xây văn hóa học đường  ảnh 3

Ảnh minh họa/ INT

Để làm được điều này, một trong những mục tiêu của nhà trường là xây dựng “Trường học hạnh phúc”, trong đó, ban giám hiệu khuyến khích giáo viên sử dụng biện pháp kỷ luật tích cực với học sinh. Công thức nhà trường hướng đến là “khen trước, chê sau”. Điều đó có nghĩa trong mọi tình huống, dù khó khăn đến đâu, người thầy cũng cố gắng tìm ra những điểm tích cực và xử lý tình huống theo phương án an toàn, lành mạnh.

Nếu “chê”, thầy cô sẽ lựa lúc riêng tư nói chuyện để học sinh không cảm thấy xấu hổ trước mặt bạn bè. Việc phạt học sinh nhất định không được làm tổn thương thể chất, tinh thần mà phải hướng đến giúp các em nhận ra sai lầm, từ đó có ý thức sửa chữa lỗi lầm.

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay, phương châm giáo dục mà nhà trường và các thầy cô hướng đến là quan tâm đến học trò, không chạy theo thành tích và điểm số. Thay vì chú trọng đến thành tích học tập của học sinh, giáo viên cần khai phá những tiềm năng, năng lực, thế mạnh từng em.

Ngoài ra, giáo viên và nhà trường thường xuyên trao đổi, chia sẻ với phụ huynh để bố mẹ hiểu về phương pháp giáo dục tích cực, những thế mạnh và năng lực của con em mình. Từ đó, hai bên có thể cùng nhau phối hợp hiệu quả trong công tác giáo dục và nuôi dạy trẻ.

Đồng hành cùng quá trình trưởng thành của học sinh THCS, cô Ka Mai tâm niệm tám chữ “lắng nghe, đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu”. Tại Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán, học sinh đến từ nhiều dân tộc khác nhau, thường chơi theo nhóm nên dễ xảy ra bất hòa. Là “trọng tài”, cô phải phân xử sao cho tất cả học sinh nhận thức được vấn đề, không cảm thấy thiệt thòi hay chưa thỏa đáng. Vì vậy, muốn làm tốt công việc cô Ka Mai đã chủ động tự học ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc địa phương như Chơ Ro, Khmer, Mường... để trò chuyện và hiểu hơn về học sinh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-trong-cuoc-chia-se-kinh-nghiem-xay-van-hoa-hoc-duong-post633741.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-trong-cuoc-chia-se-kinh-nghiem-xay-van-hoa-hoc-duong-post633741.html
Bài liên quan
Ngày Nhà giáo Việt Nam: Người thầy tạo động lực cho học sinh học môn Địa lý
Với cách giảng dạy đầy trực quan, sinh động, môn Địa lý của nhà giáo ưu tú Văn Đức Thái (sinh năm 1983), Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa luôn thu hút học sinh lắng nghe và giúp nhiều em đạt thích tích cao trong các kỳ thi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Người trong cuộc' chia sẻ kinh nghiệm xây văn hóa học đường