Nguy cơ cuộc chiến tranh tổng lực Israel - Hamas mới ở Trung Đông

Bá Thi/VOV-Cairo | 09/10/2023, 22:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Quân đội Israel đã phát động chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn vào dải Gaza, chỉ vài giờ sau khi các tay súng Hamas tiến hành vụ tấn công bất ngờ vào miền Nam Israel hôm 7/10. Các diễn biến này khiến giới quan sát lo ngại sẽ có cuộc chiến tổng lực giữa hai bên.

Giới chuyên gia tin rằng Hamas hoàn toàn ý thức được phản ứng của Israel cũng như hậu quả nó, bởi cuộc đối đầu đẫm máu giữa hai bên không phải chỉ vừa mới bắt đầu, mà đã kéo dài hàng chục năm trời với hàng trăm lần đụng độ gây thương vong.

Trong quá khứ, chưa có lần tấn công nào của Hamas hay bất kỳ nhóm vũ trang nào khác nhằm vào Israel mà không bị đáp trả và hành động đáp trả thường rất dữ dội với hậu quả nặng nề hơn rất nhiều lần so với tổn thất do hành động khơi mào xung đột gây ra.

Và trên thực tế, trong một số tuyên bố trong hai ngày qua, các lãnh đạo Hamas cũng khẳng định lực lượng này đã chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với mọi kịch bản tấn công trả đũa của Israel, bao gồm cả triển khai bộ binh quy mô lớn vào Gaza.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng Hamas cũng thừa hiểu với tương quan lực lượng và bối cảnh thực tế hiện nay, họ hoàn toàn không có khả năng “giải phóng” thêm bất kỳ phần lãnh thổ nào đang bị Israel chiếm đóng. Vì vậy, cuộc tấn công lần này của Hamas về cơ bản chỉ mang y nghĩa chính trị, chứ không thể thể đổi được một cách căn bản hiện trạng thực địa.

Trong đó, thông điệp quan trọng nhất mà Hamas muốn truyền tải đến thế giới A rập và Hồi giáo là cần phải duy trì niềm tin về khả năng có thể đánh bại Israel trong tương lai, để tiến tới “giải phóng” tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của không chỉ người Palestine, mà toàn thể người A rập và Hồi giáo.

Cuộc tấn công cũng nhắm đến mục tiêu trước mắt của Hamas là ngăn chặn các hành động trấn áp ngày càng gia tăng của Israel đối với người Palestine, đồng thời gây sức ép để buộc Israel phải trả tự do cho hàng nghìn chiến binh Hồi giáo mà chính quyền Israel đang giam giữ, thông qua việc trao đổi tù binh.

Ngoài ra, nhiều y kiến cũng cho rằng Hamas muốn cộng đồng quốc tế không được lãng quên, mà cần phải dành sự quan tâm thỏa đáng đến vấn đề Palestine.

Nguy cơ bạo lực đẫm máu những ngày tới

dư luận lo ngại một làn sóng bạo lực cực kỳ đẫm máu có thể bùng phát tại Gaza trong những ngày tới, tương tự như cuộc chiến kéo dài 11 ngày tại dải Gaza năm 2021 khiến hàng trăm người chết và bị thương.

Giới quan sát cũng như dư luận khu vực đang hết sức quan ngại về nguy cơ bạo lực sẽ tiếp tục leo thang và bùng phát thành một cuộc chiến toàn diện trong khu vực. Có nhiều căn cứ củng cố cho mối quan ngại này.

Thứ nhất, như chúng ta vừa đề cập, trong lịch sử đối đầu giữa Israel và Hamas hay bất kỳ nhóm vũ trang nào khác trong khu vực, Israel luôn phản ứng rất quyết liệt trước mọi hành động gây hấn.

Trường hợp hành động thù địch gây thương vong với người Israel, tổn thất mà lực lượng gây hấn phải hứng chịu thường luôn nặng nề hơn rất nhiều so với những gì họ gây ra cho Israel.

Và thực tế là ngay trong sáng 7/10, Israel đã đáp trả bằng việc phát động một chiến dịch không kích dồn dập vào hàng loạt mục tiêu ở Gaza, khiến hơn 2.000 người chết và bị thương (tính đến đêm 8/10).

Đến ngày 8/10, chính phủ Israel chính thức tuyên bố nước này đang trong tình trạng chiến tranh, đồng thời khẳng định sẽ tiến hành thêm nhiều hoạt động quân sự tại Gaza trong những ngày tới.

Trong bối cảnh đó, ở bên kia biên giới phía Bắc Israel, lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã hưởng ứng lời kêu gọi của Hamas, tiến hành pháo kích vào khu vực Shebaa mà Israel đang chiếm đóng của Lebanon.

Cuộc tấn công khiến quân đội Israel lập tức đáp trả, đẩy cao căng thẳng trong khu vực và khiến nhiều người nghĩ tới kịch bản Israel có thể phải cùng lúc đối phó với hai mặt trận thù địch.

Kịch bản này xảy ra sẽ khiến cục diện chiến sự tại Trung Đông trở nên hết sức phức tạp và khó lường, nhất là sau khi một thủ lĩnh của Hamas ngày hôm qua tuyên bố rằng họ nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ phía Iran trong cuộc tấn công vào Israel lần này.

Tuy nhiên, một số nhận định cho rằng vẫn còn cơ hội để vãn hồi tình hình tại khu vực. Bởi vì, Israel chắc chắn phải cân nhắc thấu đáo về hành động quân sự tiếp theo để thứ nhất là đảm bảo an toàn tính mạng của số con tin được cho là đã lên tới con số hàng trăm mà Hamas đang bắt giữ trong cuộc tấn công sáng 7/10.

Tiếp đến là tránh kích động tâm lí thù địch với người A rập và Hồi giáo trong khu vực, đặc biệt là sau sự cố một cảnh sát Ai Cập nổ súng bắn chết hai du khách Israel chiều 8/10, dù nguyên nhân thực tế phía sau hành động này là gì vẫn chưa được làm rõ.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khu vực và thế giới cũng đang tiến hành nhiều nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng, ngăn chặn nguy cơ toàn khu vực Trung Đông chìm sâu vào một vòng xoáy bạo lực đẫm máu mới với những hậu quả khó lường hết được.

Trước diễn biến căng thẳng leo thang tại Dải Gaza, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực. Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Trung Đông Tor Wennesland đã gọi đây là tình huống “bên bờ vực nguy hiểm”, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và bảo vệ dân thường. Trong khi Đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Tuerk đã kêu gọi các bên cần ngừng ngay các hành động bạo lực để tránh thêm đổ máu.

Theo VOV
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nguy-co-cuoc-chien-tranh-tong-luc-israel-hamas-moi-o-trung-dong-post1051437.vov
Copy Link
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nguy-co-cuoc-chien-tranh-tong-luc-israel-hamas-moi-o-trung-dong-post1051437.vov
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ cuộc chiến tranh tổng lực Israel - Hamas mới ở Trung Đông