Nguy cơ lây lan Covid-19 qua đường thông gió chung cư

VH | 12/08/2021, 15:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTD) - Nhiều toà nhà chung cư ghi nhận hàng loạt ca mắc Covid-19. Không ít ý kiến cho rằng, virus có thể phát tán qua đường thông gió toà nhà. Tuy nhiên, thực tế, hành lang, thang máy chung cư cũng có thể là "kẻ truyền bệnh".

Lây lan trong toà nhà?

Vừa qua, chung cư Vạn Đô (quận 4, TPHCM) phát hiện nhiều trường hợp dương tính với Covid-19. Đáng lưu ý, những người này sống ở các căn hộ nằm gần nhau, có cửa thông gió cùng hành lang hoặc nằm cùng trục ở trên và dưới. Cư dân ở đây được khuyến cáo đóng kín cửa chính, cửa thông gió nhà vệ sinh, ô thông gió giao với các khu vực có không gian chung như hành lang.

Trong khi đó, chung cư Lexington (TP Thủ Đức) đang cho vận hành hệ thống quạt hút trục phòng rác các tầng liên tục ngày đêm. Nhờ đó, luôn tạo ra áp lực âm hút không khí chỉ có thể đi vào và không thể thoát ra. Ban quản lý khuyên các hộ nên mở quạt hút nhà vệ sinh 5 - 10 phút trước khi mở cửa vào. Như vậy, không khí sẽ được làm loãng. Cư dân cũng được khuyến cáo đổ nước vào phễu thoát sàn của ban công, sàn nhà vệ sinh để giảm khí bẩn và mùi cống thoát ra xung quanh.

Cụm nhà chung cư Tam Phú, TP Thủ Đức cũng phát hiện nhiểu ca dương tính cùng toà, cùng trục đứng. Nhóm căn hộ này cùng lấy gió từ một giếng trời, nhất là quạt thông gió từ các nhà vệ sinh.

lay-lan-covid-o-chung-cu.jpeg
TPHCM ghi nhận nhiều ca Covid-19 tại chung cư. Ảnh minh hoạ

Ý kiến trái chiều

Nghiên cứu do PGS.TS. Trần Văn Hiếu, Nguyễn Lê Duy - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM thực hiện cho thấy: Tại một chung cư ở Hàn Quốc, các ca nhiễm được phát hiện đều nằm cùng theo một chiều thẳng đứng với ca nhiễm đầu tiên.

Theo nhóm nghiên cứu, các căn tại toà chung cư này có lỗ thoát khí tại các phòng tắm thông ra một lối thoát khí chung của toà nhà. Mặt khác, vì đây là chung cư kiểu cũ nên không có hệ thống lưới lọc giữa lỗ thoát khí các căn hộ và hệ thống thoát khí chung. Điều này khiến cho các vi giọt từ các căn hộ khởi phát có thể di chuyển đến các căn hộ khác.

Để có thể ngăn chặn sự phát tán trong các khu chung cư, các toà nhà văn phòng có sử dụng chung hệ thống thông khí hay xả thải, nhóm nghiên cứu khuyến cáo:

- Đóng và thường xuyên khử khuẩn các cửa sổ, cửa lùa;

- Chặn một chiều ống thông hơi tại các đường ống/hệ thống thông khí chung;

- Sử dụng các tấm lọc HEPA hay ULPA trong trường hợp buộc phải sử dụng hệ thống điều hoà/thông hơi (văn phòng, chung cư vào mùa nóng);

- Sử dụng tấm lọc carbon để loại bỏ bớt CO2 trong nhà;

- Tận dụng tối đa sự lưu thông khí tự nhiên, mở cửa sổ phía ngoài trời nếu có thể, và kiểm soát độ ẩm (độ ẩm vào khoảng 40 - 60%);

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định: "Giếng trời chung cư là lấy gió từ trên trời thổi vào các căn hộ, chứ không thể tự nhiên từ căn hộ thổi ngược lên trên. Khi nóng thổi từ dưới lên, virus sẽ chết".

Chuyên gia này nhấn mạnh, căn hộ có người F 0 cũng bị gió thổi vào. Do đó, hơi thở của người F0 không thể chui ra khung thông gió. Do đó, theo bác sĩ Khanh, người dân cần chú ý đến khả năng lây lan từ hành lang, tay nắm cửa và thang máy chung cư.

Bài liên quan
Cận cảnh hành trình đưa tro cốt đồng bào mất vì Covid-19 về nhà
Tro cốt của đồng bào không may mất vì Covid-19 sẽ được Bộ Tư lệnh TP.HCM tập hợp tại Nhà tang lễ TP. Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện tiếp nhận và đưa trực tiếp đến người nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ lây lan Covid-19 qua đường thông gió chung cư