Sinh ra và lớn lên tại Thái Bình nhưng cô giáo Phạm Thị Tâm lập gia đình tại Phú Yên. Hiện, cô là giáo viên lớp Mẫu giáo thôn Phú Đồng, Trường Mầm non Phú Mỡ (Đồng Xuân, Phú Yên).
“Có lẽ, duyên nghề, duyên người đã đưa tôi đến vùng đất nắng gió. Cuộc sống tự lập với biết bao khó khăn, vất vả nhưng bản thân cố gắng, quyết tâm học lên đại học rồi cao học. Tôi trở thành thạc sĩ đầu tiên cấp học mầm non thuộc ngành Giáo dục huyện Phú Đồng, với tấm bằng xuất sắc, chuyên ngành Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”, cô Tâm bộc bạch.
Nơi cô Tâm dạy học là vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên. Dù thách thức không nhỏ nhưng cô vẫn bền lòng, vững chí, nguyện “chung thủy” với lựa chọn nghề nghiệp.
“Dù một tuần hay nửa tháng mới về nhà, đường sá khó đi, cuộc sống thiếu thốn nhưng tôi vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề. Bản thân luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giúp đỡ bà con, đồng nghiệp”, cô Tâm tâm sự.
Thời gian dạy học tại thôn Phú Đồng, cô Tâm được tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn của đồng bào Ba Na.
“Lúc như thế, hình ảnh gia đình và thủa ấu thơ cơ cực lại hiện hữu trong tôi. Những ngôi nhà xập xệ trước gió mưa, các cụ già ăn cơm với muối, trẻ em đầu trần, chân đất… Điều đó khiến tôi suy nghĩ, trăn trở: Mình là đảng viên, giáo viên, có trình độ, phải có trách nhiệm và tìm cách giúp bà con vượt qua và vươn lên nghịch cảnh”, cô Tâm bày tỏ.
Với suy nghĩ ấy, nữ nhà giáo bắt tay vào “công cuộc” vận động, kết nối giúp các cụ già neo đơn, người bệnh tật; bày cho người khỏe mạnh “cần câu cơm”, biết cách làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, hợp lý hơn. Nhờ tận tâm, tận lực, cô được các tổ chức, cá nhân, nhóm từ thiện khắp nơi tin tưởng, giúp đỡ. Năm 2022, cô gom được hàng trăm đồ chơi, đồ dùng để chuyển đến các điểm trường khó khăn huyện Đồng Xuân (Phú Yên).
Cô hướng dẫn người dân nấu ăn, chia sẻ với phụ huynh cách nấu cháo dinh dưỡng, làm sữa chua, bánh; giúp họ biết cách chữa bệnh bằng thuốc thay cúng bái, hủ tục.
“Thật may mắn, tôi được chính quyền ủng hộ, dân làng quý mến, tin tưởng và làm theo nên một số hủ tục lạc hậu không còn. Học sinh không chỉ đầy đủ hơn về vật chất mà còn được nuôi dưỡng tinh thần. Tôi luôn trăn trở, có thêm chiếc áo thì một em bé nữa được ấm áp; thêm tấm chăn, cân gạo là nhiều học trò có giấc ngủ trọn vẹn, ngày no bụng...
Nhiều giọt nước tạo thành biển lớn, nhiều sự chia sẻ chiến thắng khổ đau. Những điều nhỏ bé lan tỏa khắp cộng đồng để thắp thêm ước mơ, mở ra tương lai xán lạn cho trẻ em và hướng niềm tin người dân bản làng về ngày mai tươi sáng”, cô Tâm tâm niệm.